Kinh tế

Nông dân lo vụ trái cây Tết

ĐOÀN XÁ 02/12/2023 09:07

Những ngày cuối năm, hàng nghìn hộ nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phấp phỏng với vụ trái cây Tết. Mặc dù từng đem lại nguồn thu nhập lớn trong những năm trước, nhưng do một số tín hiệu thiếu tích cực của nền kinh tế, nông dân bất an khi đầu tư vào nhiều loại nông sản.

tren.jpg
Nhiều nông dân Long An chi hàng trăm triệu đồng đầu tư trồng dưa hấu Tết. Ảnh: Đoàn Xá.

Là vùng trồng dưa hấu quen thuộc của tỉnh Long An, những ngày này nhiều nông dân ở huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Thạnh… hối hả xuống giống, chăm sóc cây.

Ông Phan Văn Thuận ở xã Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa) cho biết, gia đình ông năm nay đầu tư trồng gần 2ha dưa hấu bán Tết. Mỗi ha dưa hấu tốn chi phí khoảng 140 - 150 triệu đồng, gồm tiền thuê đất, hạt giống, phân bón, máy móc tưới tiêu, nhân công… Bên phía này là dưa tròn không hạt, chỉ để trưng Tết, còn phía bên kia là dưa có hạt và dưa vàng, có thể trưng và ăn được. Hiện nay sản lượng dưa hấu khá ổn định nếu chăm sóc theo đúng hướng dẫn, khoảng từ 20 tới 25 tấn/ha. Vì vậy quan trọng nhất chính là giá cả. Nếu dưa có giá khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg thì hoà vốn, trên mức đó bắt đầu mới có lãi.

“Như năm vừa rồi, gia đình tôi bán tại ruộng dưa được 12.000 đồng/kg nên cũng thu về hơn 60 triệu đồng tiền lãi. Còn năm nay nghe dự đoán có vẻ khó khăn, không biết có bán được không nữa. Nếu không bán được thì gần 300 triệu đồng tiền đầu tư không biết xoay đâu bù vào” - ông Thuận chia sẻ. Cũng theo ông Thuận, nếu các vụ dưa hấu (kéo dài 75 ngày) trong năm chủ yếu được đưa đi xuất khẩu sang Trung Quốc thì vụ dưa hấu Tết cuối năm bán thị trường nội địa, chủ yếu thị trường TPHCM. Ngoài việc bán thông qua thương lái, nông dân sản xuất với diện tích nhỏ có thể vận chuyển và bán trực tiếp tại các chợ trong vùng nên lợi nhuận thường cao hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dưa hấu Long An được nhiều người dân phía Nam rất ưa chuộng. Tuy nhiên, do đặc thù không thể canh tác liên tục 2 vụ trên cùng diện tích đất khiến người trồng dưa hấu thường phải luân chuyển và xoay vòng, diện tích không ổn định.

Cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng cho vụ trái cây Tết Giáp Thìn 2024, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành, Long An) cho biết, hơn một tháng qua giá thanh long đang nhích lên và chị quyết định đầu tư khoảng 200 triệu đồng tiền bóng đèn led, dây diện, cột đèn để “đánh điện” cho thanh long ra trái. “Những năm trước chuyện đánh điện cho thanh long ra trái là bình thường, nhà vườn ở đây ai cũng làm hết. Tết giá thanh long cao lắm, có năm xuất khẩu sang Trung Quốc giá được 40.000 tới 45.000 đồng loại 1. Nhưng 3-4 năm nay thanh long tụt giá, nhà vườn chỉ chăm sóc thông thường, không dám đầu tư kích điện nữa. Nhưng tôi dự đoán Tết này thanh long sẽ có giá cao nên đầu tư kích điện. Giờ tiền điện tốn lắm, nếu không bán được giá 25.000 đồng là thua đó” - chị Hồng chia sẻ.

Theo chị Hồng, quy trình kích điện thanh long khá đơn giản, chỉ cần treo bóng đèn sát nhánh của cây và bật vào ban đêm (chừng 7h tối) cho tới 5h sáng hôm sau. Từ khi bắt đầu kích điện cho tới lúc ra trái khoảng 25 ngày, cho tới lúc thu hoạch khoảng 3 tháng. Nếu kích thêm nữa (trong lúc trái sinh trưởng), thời gian thu hoạch có thể sớm hơn.

Cùng với huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang, huyện Châu Thành (Long An) có hàng chục nghìn héc-ta trồng thanh long. Những năm trước, thời điểm cuối năm nông dân thường xuyên kích điện để cho thanh long ra trái vụ Tết nhưng hiện nay, do chi phí đầu tư cao mà giá cả lại không chắc khiến nhiều hộ không dám đầu tư. Nông dân chủ yếu chăm sóc theo quy trình thông thường, dựa vào ánh sáng mặt trời để cây sinh trưởng, ra trái tự nhiên rồi thu hoạch. Những gia đình dám “đánh cược” như chị Hồng không nhiều.

Cũng có tâm trạng bất an khi sản xuất vụ trái cây cuối năm, ông Nguyễn Văn Hai, 66 tuổi ở xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách, Bến Tre) cho biết, năm nay ông quyết định đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho vườn bưởi xa danh cuối năm. “Mấy năm trước bưởi da xanh thắng dữ lắm. Có năm trước dịch Covid-19, tôi lãi hơn 200 triệu đồng dịp Tết. Hồi đó bưởi da xanh giá cao, 60.000 -70.000 đồng/kg. Bây giờ người ta trồng nhiều nên khó bán, giá cũng giảm nhiều. Loại bưởi chọn cũng chỉ hơn 35.000 đồng/kg, còn lại dưới 30.000 đồng. Mà bưởi da xanh khó trồng lắm, dịp cuối năm nếu nước mặn xâm nhập chút xíu thôi là coi như cả vườn rụng hết”, ông Hai cho biết. Cũng theo ông Hai, bình thường bưởi da xanh cho thu hoạch vào khoảng tháng 9 tới tháng 11 nhưng nếu nông dân muốn thu hoạch vào dịp cuối năm để bán giá cao có thể điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc để bưởi ra hoa, kết trái chậm hơn. Thời gian qua, giá bưởi da xanh ở Bến Tre khá thấp nên hiện nay nhiều nông dân tìm cách hãm lại để thu hoạch vụ cuối năm với mong muốn giá sẽ cao hơn.

Có thể nói, những năm trước giá nhiều loại nông sản dịp Tết thường được bán ở mức cao, giúp nông dân có lợi nhuận cao nhưng thời gian gần đây, khi thị trường ngày càng khó lường, việc nông dân thua lỗ khi đầu tư sản xuất nông sản đã xuất hiện nhiều, khiến một số hộ gặp khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân lo vụ trái cây Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO