Hầu hết các loại thuỷ sản khác ở vùng biên giới giáp ranh Campuchia thường xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi, nhưng cá lia thia lại xuất hiện nhiều khi vùng này khô cằn, phèn mặn nhất. Dù mùa đánh bắt chỉ kéo dài hơn 2 tháng nhưng cá lia thia đã mang lại thu nhập đáng kể cho hàng chục nông dân nghèo vùng biên giới Đức Huệ, Mộc Hóa, Thạnh Hóa (tỉnh Long An).
Những ngày này, tại các vùng bưng đồng trũng thấp, bỏ hoang hay những con kênh rạch nhiều cỏ bàng, cỏ lăn là “thế giới” của cá lia thia. Loại cá nhỏ bé nhưng khá đặc biệt, từng đi cả vào những câu ca dao, câu hát của người dân miền Tây. Chia sẻ về nghề săn bắt cá lia lia, anh Trần Văn Ngọc (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An) cho hay, đây là cá của người nghèo, chỉ đánh bắt được chừng 2 tháng, từ sau Tết cho tới đầu mùa mưa. “Cá lia thia nhỏ xíu như đầu đũa thôi nhưng là đặc sản. Mà cá lia thia phải làm mắm mới ngon. Mắm cá lia thia giờ cao lắm, cả nửa triệu đồng mỗi kg. Mắm cá lia thia thơm, có vị đặc trưng mà mắm của nhiều loại cá khác không có được”- anh Ngọc cho biết.
Theo anh Ngọc, mỗi ngày từ sáng sớm, anh cùng bạn trong ấp chuẩn bị đồ nghề, là một chiếc rổ đan kín có đường kính lớn chừng 1,5m để xúc cá. “Mùa này cá lia thia nhiều nhất, có ngày xúc được hơn 2kg. Mỗi kg có giá 200 nghìn đồng. Nhưng không phải lúc nào cũng có cá bán vì rất nhiều người đổ xô đi xúc cá. Mùa khô, đồng đất quanh đây nứt nẻ kiếm mấy chỗ có lia thia cũng khó lắm nên phải lội đồng xa mới có” - anh Ngọc kể.
Chúng tôi theo nhóm anh Ngọc chạy xe trên con đường trải nhựa khá khang trang kéo dài từ huyện Đức Huệ sang Mộc Hóa. Dừng lại ở ngã ba, nhóm anh Ngọc rẽ vào một cánh đồng ở khu vực xã Bình Thành (huyện Đức Huệ), nơi giáp ranh với huyện Mộc Hóa. Nơi này có nhiều đồng lúa của nông dân chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân có tỉ lệ gieo trồng thấp nhất (trong 3 vụ) nên còn rất nhiều chân ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Chỉ tay vào một một cánh đồng như vậy, anh Võ Văn Tân, một thợ xúc cá lia thia bảo chỗ này chắc chắn nhiều cá. Cánh đồng này vào mùa mưa nước ngập, sau đó nước cạn dần vào mùa khô thì những loại cá khác theo nước di chuyển ra kênh rạch. Riêng cá lia thia vẫn sống và sinh sản ở những chân ruộng này. Nhìn đám cỏ và những bọt nước li ti nổi lên, anh Tân khẳng định trúng cá lia thia rồi. Rồi các anh lội xuống những vùng nước cạn và dùng chiếc rổ tre lớn để xúc cá.
Những vùng nước cạn này khá nhỏ, nằm rải rác trong các chân ruộng nhưng lại có khá nhiều cá lia thia. “Ở miền Tây phải mùa nước về người ta mới đi đánh cá, chứ mùa khô như hiện nay, ghe xuồng treo trên nhà hết cả. Chỉ mấy anh em làm nghề xúc lia thia mới đi thôi. Những cánh đồng gần kênh mà hết nước rất nhiều cá lia thia vì chúng thích mấy khu phèn mặn, có nhiều cỏ lăn, cỏ bàng. Nhưng không dễ mà kiếm những cánh đồng như thế. Nói chung là hên xui, có ngày chỉ được hơn kg thôi. Tuần tới anh em chúng tôi sẽ chạy sâu xuống dưới kênh Ma Ren, kênh 90 hy vọng kiếm nhiều hơn. Dưới đó xa, tiền xăng đi về một ngày tốn thêm 40 nghìn đồng, hơn cả hộp cơm rồi” - anh Tân chia sẻ.
Mặc dù có thể kiếm được kha khá tiền nhưng không phải ai cũng có thể đi xúc cá lia thia. Bởi ngoài kinh nghiệm, tìm những nơi có cá sinh sống thì nhóm nông dân phải di chuyển nhiều, lặng lẽ làm việc trong cái nắng nóng oi bức ngột ngạt. Thế nhưng với họ, thành quả cuối ngày dù chỉ một vài kg cá cũng đủ xua tan bao mệt nhọc, bởi đó là khoản thu nhập không nhỏ đối với những nông dân nơi đây trong mùa phèn mặn.