Sáng 6/9, trên các cánh đồng thuộc xã Thành Lộc (huyện Hậu Lộc), PV Đại Đoàn Kết Online thấy có 3 máy gặt đập liên hợp đang gặt lúa cho người dân các thôn: Thành Tây, Thành Ninh, Thành Đông... Ảnh: Đình Minh Sáng nay, bà Phạm Thị Mỉnh (trú thôn Thành Ninh) ra đồng để chờ máy gặt. Bà Mỉnh cho biết, do trận mưa và gió lốc vào tối qua (5/9) đã khiến 2,5 sào lúa nhà bà bị đổ rạp. Nhận thấy bão sắp về, nếu không kịp thu hoạch, lúa sẽ bị ngập úng nên từ sáng sớm, bà đã gọi máy đến ruộng để gặt toàn bộ lúa. Ảnh: Đình Minh 'Năm nay nhà tôi cấy lúa Bắc Thơm 7, lúa đang đẹp, sắp gặt thì gió bão ập vào phá hỏng hết cả. Biết chần chừ sẽ mất hết nên tôi vội thuê máy, đến nay thì cũng gặt xong rồi. Dẫu biết là hao hụt nhiều nhưng thôi, vớt vát được tý nào hay tý đó', bà Mỉnh nói. Ảnh: Đình Minh Sau khi gặt đập xong, lúa của nhà bà Mỉnh được đóng vào bao, đưa về nhà để cất tạm, khi nào trời nắng ráo, hết bão sẽ mang ra phơi. Ảnh: Đình Minh Do thuê máy gặt muộn nên hết sáng nay, hơn 1 sào lúa của gia đình bà Lê Thị Lành (trú thôn Thành Ninh) vẫn chưa được gặt. Trong lúc chờ máy, bà Lành tranh thủ xuống ruộng, buộc túm những cây lúa bị ngã rạp thẳng đứng lên để máy dễ vào cắt. Ảnh: Đình Minh Khảo sát tại các huyện: Vĩnh Lộc, Hà Trung, Yên Định, Nga Sơn, Hậu Lộc... PV thấy có rất nhiều diện tích lúa tại Thanh Hóa bị đổ rạp. Theo người dân địa phương, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi trận mưa và giông lốc vào tối 5/9. Ảnh: Đình Minh Cầm trên tay những bông lúa chín ngà, bà Phạm Lê Bình Tĩnh (71 tuổi, trú thôn Thành Tây) khóc mếu cho biết: Chỉ trong tối qua và sáng nay, 3 sào lúa nhà bà đã bị gió quật đổ rạp. 'Lúa này còn khoảng 4 - 5 ngày nữa là cắt được rồi, nhưng hôm qua gió to làm đổ hết cả. Giờ thì máy gặt cũng không thuê được, mà bão thì sắp vào rồi. Nếu không làm gì thì số lúa mình dày công chăm sóc nó úng, là mất hết', bà Tĩnh mếu máo nói. Ảnh: Đình Minh Bà Lê Thị Tiến - trú thôn Thành Ninh là một trong những gia đình may mắn của xã Thành Lộc khi kịp thời gặt xong 2,5 sào lúa trong sáng nay. Bà Tiến cho biết, khi gặt xong, bà thu được 1 tạ lúa, năng suất khá thấp vì lúa chín non. Ảnh: Đình Minh Sau khi gặt xong, tranh thủ thời tiết hửng nắng trong buổi trưa và đầu giờ chiều nay, bà Tiến đem lúa ra phơi để tránh ẩm mốc. Ảnh: Đình Minh Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện toàn tỉnh có khoảng 47.000ha/112.458,8ha lúa vụ mùa sớm đã chín 80% trở lên. Tính đến chiều 5/9, toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 17.000ha. Ảnh: Đình Minh. Để công tác thu hoạch lúa mùa đảm bảo nhanh gọn, kịp thời, tránh được thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, tranh thủ thời tiết chưa có mưa, tập trung thu hoạch triệt để diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên và các cây trồng khác đã đến thời điểm thu hoạch. Ảnh: Đình Minh Đồng thời, Sở cũng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ để linh hoạt điều chuyển máy thu hoạch lúa từ các huyện, xã chưa có lúa chín hoặc diện tích lúa chín còn ít sang nơi có diện tích lúa chín nhiều. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đã chín, với những vùng cấy lúa mùa muộn, vùng trồng cây vụ đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương huy động nhân lực tiêu kiệt nước đệm trên mặt ruộng và nước đệm trên các hệ thống kênh mương; kiểm tra các công trình thủy lợi và máy móc, có phương án sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn. Ảnh: Đình Minh