TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch cấp “thẻ xanh” và “thẻ vàng” dành cho người đã tiêm vaccine ngừa cũng như người mắc Covid-19 khỏi bệnh.
Dự kiến, có cả triệu người sẽ được cấp các thẻ này để tham gia vào hầu hết các hoạt động như đi bệnh viện, đi làm, đi học, siêu thị, chợ... Việc quản lý số lượng quá lớn các cá nhân có “thẻ Covid-19”, đòi hỏi sự kiểm soát phù hợp nhằm tránh việc người có thẻ hay không có thẻ cũng sẽ di chuyển ra đường, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Theo kế hoạch, TP HCM sẽ sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng Covid (chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR) làm công cụ chủ yếu để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình mở cửa. Chứng nhận điện tử này có trên điện thoại thông minh sẽ giúp người dân lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, đăng ký tiêm vaccine, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm...
Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh thì sẽ được cấp mã số (qua tin nhắn điện thoại) hoặc được cơ quan nhà nước in mã QR ra thẻ. Ngược lại, những ai không có mã này sẽ không được tham gia các hoạt động trong thời gian quy định. Trong đó, dự kiến “thẻ xanh” là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, người tiêm 2 mũi vaccine từ trước ngày 1/9. “Thẻ vàng” gồm những trường hợp tiêm 1 mũi vaccine trước ngày 1/9.
TP HCM dự kiến sẽ tiến hành mở cửa theo lộ trình, có thí điểm tại một số địa phương như huyện Củ Chi, Cần Giờ và quận 7 trong khoảng 2 tuần. Sau thời gian này, các quận huyện thành phố trực thuộc khác nếu kiểm soát tốt dịch sẽ tiếp tục được triển khai các hoạt động như trên.
Nhiều người cho rằng, nếu cho phép các hoạt động ở 3 quận huyện trên được mở lại, TP HCM cần kiểm soát 2 vấn đề quan trọng. Đầu tiên là siết chặt kiểm soát vành đai “vùng xanh” để người dân (“có thẻ Covid-19”) không di chuyển sang quận, huyện thành phố khác. Cùng đó, việc kiểm soát người dân có “thẻ Covid-19” di chuyển trong nội bộ vùng cũng rất quan trọng.
Nếu duy trì các chốt chặt để kiểm soát “thẻ Covid-19”, giấy đi đường... thì sẽ tốn rất nhiều thời gian. Nguy cơ ùn tắc cũng như tập trung một lượng lớn nhân lực chống dịch cho việc kiểm tra. Ngoài ra những người không đủ điều kiện vẫn cố tình di chuyển trong phạm vi nhỏ (phường, xã...) không qua chốt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Việc nới lỏng, mở cửa từng địa bàn là cần thiết. Tuy nhiên, để kiểm soát tốt theo đúng kế hoạch cần có lộ trình chặt chẽ, cùng sự đồng thuận, ý thức phối hợp của người dân. Chỉ có như vậy “thẻ Covid-19” mới thực sự có ý nghĩa.