Các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng được các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp quan tâm. Tại nhiều địa phương, việc ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội đang mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp - hướng đi của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhà vườn đầu tư công nghệ cao
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang lan tỏa khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Và ngành nông nghiệp cũng đang cuốn theo làn sóng của cuộc cách mạng này.
Trong chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2022-2030, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Từ đó, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%, thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7-8%/năm.
Tại tỉnh Ninh Thuận, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được các địa phương thực hiện mang lại những tín hiệu tích cực. Trang trại của ông Trần Nhật Quang (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) với diện tích 1ha trồng dưa lưới trong nhà màng. Mặc dù với chi phí đầu khá cao, tuy nhiên, sản phẩm thu về bán có giá trị hơn nhiều lần so với sản xuất kiểu tự phát. Ông Quang nhẩm tính, với 1 sào (1.000 m2) dưa lưới trong nhà màng đầu tư 400-500 triệu đồng, bình quân 1 sào trồng khoảng 3.000 chậu. Việc trồng dưa đều tuân thủ các quy định, quy chuẩn đảm bảo xanh, sạch. “Bình quân mỗi sào dưa lưới cho thu hoạch 3,5 tấn quả, với giá bán 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư trang trại có lãi khoảng 1,5 tỷ đồng/năm” - ông Quang cho biết.
Nhiều hộ dân ở huyện Ninh Sơn cũng đã đầu tư công nghệ vào trồng trọt, và liên kết với các doanh nghiệp để có đầu ra ổn định.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút đầu tư 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động gồm 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Ngoài ra, tỉnh hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 260 ha, mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng diện tích lên 1.000 ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Ninh Thuận, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao có thể khắc phục được các yếu tố bất lợi về khí hậu, thời tiết. Từ đó, hình thành nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Long, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng đang được đẩy mạnh. Là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao, thời gian qua, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất của người dân, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho từng loại sản phẩm nông nghiệp.
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều trang trại nông nghiệp đầu tư các công nghệ hiện đại vào sản xuất. Theo đó, có những hộ dân trồng dưa lưới, sử dụng các công nghệ IoT (Internet vạn vật) tạo nên những khu vườn thông minh. Cụ thể, theo chia sẻ của một chủ nhà vườn trồng dưa, thay vì cách tưới truyền thống, mất nhiều thời gian và nhân công, nhà vườn đã sử dụng hệ thống tưới tự động theo lập trình chia nhỏ thời gian tưới, đồng thời hoà tan phân bón vào trong nước theo chu kỳ nhất định. Với hệ thống tưới này, chỉ cần một người là có thể quản lý được khoảng 1.000m2 nhà lưới. Ưu điểm của ứng dụng này là tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, ít tốn chi phí, công lao động, tưới tiêu hợp lý, tạo nên độ đồng đều của cây. Và khi ra trái, chất lượng trái cây cũng đều ngon như nhau, kích thước cũng tương đương nhau, không những vừa đảm bảo chất lượng, mà tính thẩm mỹ cũng vượt trội so với cách chăm sóc truyền thống.
Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, thời gian qua, nhiều mô hình được triển khai tại địa phương và đã triển khai có hiệu quả và được nhân rộng, trong đó phải kể đến mô hình trồng rau các loại, dưa lưới, cà chua bi trong nhà lưới, nhà màng; sản xuất nấm; trồng rau thủy canh; nuôi ếch; nuôi lươn không bùn; nuôi bồ câu sinh sản theo hướng an toàn sinh học... Bước đầu, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt hiệu quả tốt, mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp đô thị.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở đạt chuẩn GAP và tương đương cũng như việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long hết sức quan tâm nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
“Chìa khóa” để phát triển bền vững
Nhiều địa phương trên cả nước cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Giới chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, đây là xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Đây cũng là xu hướng tất yếu để ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Bộ NNPTNT, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Mặt khác, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, tập trung vào sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 thúc đẩy phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, để sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong mọi tình huống, nông nghiệp Việt Nam cần chuyển từ nền nông nghiệp "sản lượng cao" sang "nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững" - đây là chìa khóa cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.