Cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản Việt với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… là rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi và khắc phục những hạn chế cố hữu là sản xuất nhỏ lẻ, yếu kém trong chế biến.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để phát triển bền vững trong hội nhập, DN cần phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các DN nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thành công chuỗi giá trị cho sản phẩm nông sản.
Trong thời gian vừa qua, nhiều nông sản Việt thâm nhập được vào các thị trường chất lượng cao như EU và đã có những tín hiệu tích cực trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường có tiêu chuẩn cao, việc EVFTA được phê duyệt sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tham tán thương mại Trần Ngọc Quân, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, kinh tế EU đang trong thời kỳ phục hồi, quan hệ thương mại Việt Nam-EU có nhiều cơ hội tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam là số ít thị trường có FTA với EU, đây là lợi thế rất lớn. Từ tháng 6/2022, dự báo kinh tế EU sẽ phục hồi như trước đại dịch. Như vậy, giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là cơ hội vàng để ký kết các hợp đồng cho giai đoạn sau đó.
Tuy nhiên, mặc dù Hiệp định EVFTA và các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết tạo cơ hội cho DN mở rộng thị trường xuất khâu nhưng đây là những thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm. DN nếu không nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu sẽ mất cơ hội khai thác thị trường.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) Lê Thành Hòa thông tin: Hiện, EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm.
Đối với các sản phẩm rau quả tươi, DN phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU. Các sản phẩm có chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc có hàm lượng cao hơn mức cho phép sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường này.
Để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đáp ứng với điều kiện xuất khẩu theo ưu đãi của EVFTA, giới chuyên gia kinh tế khuyến nghị DN và người nông dân cần có cách tổ chức kênh phân phối sao cho hiệu quả để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng tương đồng. Thông tin sản phẩm phải minh bạch để người tiêu dùng trong nước tin tưởng sản phẩm trong nước hơn sản phẩm nhập khẩu.
Để làm được điều này, đòi hỏi các ngành hàng cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà xuất khẩu, liên kết chuỗi giá trị sản xuất giữa người sản xuất và DN. Qua đó khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn thì không sợ thiếu thị trường xuất khẩu nông sản.