Nông sản bứt phá từ công nghệ

Lê Bảo 24/10/2023 08:28

Gắn khoa học công nghệ với sự phát triển của doanh nghiệp, phát huy được cơ sở vật chất, trang thiết bị và diện tích đất đai… sẽ tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái.

Ứng dụng khoa học công nghệ từng bước nâng cao giá trị nông sản.

Hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ

Sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... Trong đó, EU là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt cơ hội càng lớn kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết. Trong đó, có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ...

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) có được kết quả trên phải kể đến sự đóng góp to lớn của khoa học công nghệ. Theo ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Trong giai đoạn 2020-2023, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận; 36 Tiến bộ kỹ thuật được Bộ NNPTNT công nhận phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ đã giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống, tăng cường quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp. Sản lượng, chất lượng nhiều loại cây ăn quả đạt giá trị kinh tế cao như cam, quýt, bưởi. Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao ngày càng tăng, từng bước nâng cao giá trị thương hiệu hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNN Phùng Đức Tiến, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới...

Tiếp tục tạo cơ chế để thúc đẩy doanh nghiệp

Rõ ràng việc ứng dụng khoa học công nghệ đem lại hiệu quả rất lớn trong sản xuất nông nghiệp tuy nhiên việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.

“Chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn vừa qua còn nhỏ lẻ, phân mảnh, chưa gắn nhiều với thực tế sản xuất. Khối doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào phát triển nghiên cứu khoa học còn ít. Nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học còn hạn chế. Tính tự chủ ở các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ còn thấp, chưa có sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp...” - ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết.

Để áp dụng công nghệ vào nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp trong đó đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu; Tiếp tục tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thân thiện với môi trường.

Theo bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên nếu chậm đổi mới công nghệ chế biến, nông sản Việt khó gia tăng giá trị xuất khẩu và việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản cũng gặp những khó khăn, thách thức nhất định.

Để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam, theo bà Lan Anh, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Để áp dụng công nghệ vào nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp trong đó đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản bứt phá từ công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO