ĐBSCL được mệnh danh là vựa lúa của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều vấn đề phát sinh cần được giải quyết.
Nông sản ĐBSCL vẫn đang loay hoay tìm đầu ra bền vững (Ảnh minh họa).
Chật vật sản xuất và tiêu thụ
ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, nông sản, thực phẩm đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 80% lượng gạo xuất khẩu, chiếm 60% lượng thủy sản và chiếm 50% tổng lượng trái cây xuất khẩu của cả nước, thu ngoại tệ hằng năm khoảng 3 tỉ USD.
Ấy thế mà chưa năm nào nông sản bao gồm cả lúa gạo, trái cây, thủy sản ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL lại lận đận như năm 2015. Nông nghiệp ĐBSCL bao gồm: gạo, cá, tôm đông lạnh, trái cây tươi đến nay vẫn chủ yếu sản xuất và xuất khẩu thô. Giá trị gia tăng còn thấp. Con cá tra chật vật đường bơi do các nước nhập khẩu liên tục đề ra nhiều rào cản gây ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam hầu hết chưa tham gia chuỗi giá trị quốc tế, chưa có hợp đồng dài hạn nên nông sản xuất khẩu của Việt Nam tuy có khối lượng lớn nhưng rất bấp bênh và phụ thuộc quá nhiều thị trường xuất khẩu đầy may rủi là xuất khẩu tiểu ngạch hay biên mậu qua Trung Quốc. Sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam không theo yêu cầu thị trường, chạy theo số lượng, không coi trọng chất lượng, sản xuất không kết nối với thị trường.
Đây là hậu quả của quá trình canh tác nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa được kết nối với khâu chế biến và tiêu thụ theo thị trường, thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ từ đó dẫn đến nông dân liên tục gặp phải điệp khúc “được mùa – mất giá, được giá – mất mùa” trong đó nông dân luôn là người bị thua thiệt. Nông dân làm ra hàng hóa nhưng được hưởng lợi ít, trong khi đó lợi ích của thương lái thu gom, đại lý và cả doanh nghiệp lại tăng cao.
Theo TS Trần Du Lịch thì thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang ở phân khúc trung bình và thấp. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu gạo thơm với giá trung bình 600 USD/tấn, trong khi giá gạo Hom Mali của Thái Lan là 1.065 - 1.075 USD/tấn và Basmati của Ấn Độ 1.515-1.525 USD/tấn. Gạo xuất khẩu có chất lượng cao của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 47% trong đó chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu nên giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Do vậy, tuy xuất khẩu đứng hạng thứ hai, thứ ba trên thế giới nhưng giá trị thu được từ xuất khẩu gạo còn thấp.
GS.TS Võ Tòng Xuân – chuyên gia về nông nghiệp nhận định: Cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ với doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết vùng
Theo lộ trình cam kết, đến 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập. Nhiều hiệp định thương mại, đầu tư, kinh tế đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh kinh tế Á – Âu, hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… sẽ tác động sâu sắc và toàn diện đến nền nông nghiệp Việt Nam. Để chủ động hội nhập, cạnh tranh, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, cần thiết phải thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất. Do vậy, phải tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu nền nông nghiệp ĐBSCL;có những định hướng chiến lược lẫn giải pháp chiến thuật trong đó vai trò và tổ chức liên kết của các hợp tác xã, các doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, Đại hội XI của Đảng xác định: “Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu”. Những năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thực hiện liên kết sản xuất lúa gạo, hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản.
Mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ở ĐBSCL đang hình thành với diện tích 452,7 ngàn ha trong số 557.000 ha của cả nước. Mỗi ha lúa trong mô hình CĐL có năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với diện tích ngoài mô hình. Nông dân tham gia mô hình thu lời thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình CĐL còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ xuất khẩu gạo cao cấp. Một số tỉnh bước đầu đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên rau, cây ăn quả và cây công nghiệp như ngô, lạc, mía, chè, cà phê…
Hiện nay, một số doanh nghiệp ở ĐBSCL như Công ty cổ phần Lộc Trời (An Giang), Công ty CP Gentraco, Công ty Trung An, Công ty CP Casuco,… đang hỗ trợ nông dân liên kết trong cánh đồng lớn, thành lập các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hỗ trợ về kỹ thuật, quản lý, giúp HTX chủ động trong việc sản xuất đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn thị trường. Do có liên kết, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật và mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng.
Sản xuất theo chuỗi cho phép kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn và các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa từ đó duy trì được thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh, đưa hàng hóa vào thị trường.
Ông Trần Hữu Hiệp- Vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất: Để nông nghiệp ĐBSCL phát triển theo chuỗi giá trị, cần hình thành các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi tập trung quy mô vừa và lớn, có giá trị kinh tế, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến hiện đại; tăng cường áp dụng công nghệ và biện pháp quản lý vào sản xuất, đặc biệt là quy trình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn.
Hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững đặc biệt là ở ĐBSCL – vựa lúa của cả nước sẽ là tiền đề vững chắc để nông nghiệp Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, để nông nghiệp, nông dân Việt Nam thôi lận đận.