Tình trạng cửa khẩu ùn ứ diễn ra từ cuối năm ngoái và cận Tết đã giải toả khi các cơ quan quản lý cùng vào cuộc tháo gỡ. Tuy nhiên, sau Tết, hiện tượng này lại tái diễn và nguy cơ ùn ứ nghiêm trọng dự báo sẽ xảy ra.
Ngày 15/2, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu chính ở Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) là khoảng 1.800 xe, phần lớn trong số này là xe chở hoa quả tươi từ các tỉnh phía Nam, xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nên hiệu suất thông quan vẫn rất thấp, trung bình chỉ giải phóng được khoảng 70-90 xe/ngày, bằng 1/6 so với nhu cầu xuất hàng sang Trung Quốc.
Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh có 4 cửa khẩu gồm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu Quốc gia Chi Ma và cửa khẩu phụ Tân Thanh đang tích cực hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Xe cũ chưa thông quan được, xe mới vẫn tiếp tục “kéo” hàng lên khiến tình trạng ùn ứ nông sản bắt đầu gia tăng tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma và dự báo sẽ gây ùn ứ lớn tại các bến bãi, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện mỗi ngày vẫn có khoảng 100-200 xe hàng (chủ yếu là hàng nông sản) được các chủ hàng, doanh nghiệp đưa lên cửa khẩu. Với năng lực thông quan hạn chế, nhà chức trách Lạng Sơn tính toán, phải mất 10-15 ngày mới có thể thông quan hết số này.
Do đó, tuần trước, Sở Công thương Lạng Sơn đã thông báo, dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ để xuất sang Trung Quốc từ hôm nay, ngày 16/2 đến 25/2. Sở Công thương Lạng Sơn đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố cần cập nhật thông tin về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, thường xuyên phối hợp chỉ đạo điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với thực tiễn, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Trước nguy cơ ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới tái diễn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang tính lại phương án đưa hàng sang Trung Quốc. Với các doanh nghiệp xuất khẩu điều, ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, rút kinh nghiệm đợt trước, lần này Hiệp hội cũng đã thông báo sớm để những doanh nghiệp nào có ý định mang hàng lên cửa khẩu ngừng ngay và chuyển hướng.
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Có - Giám đốc Công ty cổ phần khoai lang Nhật Thành, cho biết công ty ngưng hết các đơn hàng đường bộ. Cách xuất khẩu sang Trung Quốc bài bản hơn, theo ông, trước tiên doanh nghiệp phối hợp cùng nông dân trồng khoai lang để cải tiến cách thức trồng. Thay vì trồng ồ ạt vào một vụ thì năm nay phải trồng gối đầu, rải vụ với số lượng mỗi vụ thấp hơn so với mọi
“Ngoài ra, chúng tôi đang đẩy mạnh kết hợp với nhiều đối tác hơn để xuất bằng đường biển không chỉ với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác”- ông Có cho biết thêm.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đợt ùn tắc đầu năm mới này không ảnh hưởng nhiều như cuối năm 2021. Tuy nhiên, một số nông sản như mít, xoài, dưa hấu, thanh long đang bị ùn ứ và có nguy cơ giảm giá khi xuất khẩu chậm lại. Nếu Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “zero covid” thì năm nay xuất khẩu sẽ giảm 30-40% sang nước này.
Nhận định về tình hình ùn tắc tại cửa khẩu biên giới, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh đợt ùn tắc gần đây có nguyên nhân trực tiếp là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch khiến năng lực thông quan giảm đáng kể. Tình trạng này cho thấy những rủi ro của hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đặc biệt là xuất khẩu tiểu ngạch.
Do vậy, các tỉnh vùng trồng cần quan tâm hơn nữa và có biện pháp thiết thực để kết nối nông dân, thương lái với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Để tránh lặp lại tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, Bộ Công thương liên tục cảnh báo các địa phương, chủ hàng cần đảm bảo an toàn dịch bệnh trên bao bì hàng hóa, nông sản xuất khẩu, phương tiện vận chuyển…
Ngoài ra, chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ chủ hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch.
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, các bộ tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng với cơ quan chức năng của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện, thống nhất thời gian mở cửa; tăng thời gian làm việc tại khu vực cửa khẩu. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khẩn trương chuyển đổi phương thức sản xuất theo quy hoạch, phải có kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn truy xuất hàng hóa để giảm thiểu rủi ro.