Bằng việc xây dựng được thương hiệu về cây chè, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) đã có những bứt phá ngoạn mục.
Cây chè đã tạo bứt phá cho xây dựng nông thôn mới ở Tân Cương.
Về Tân Cương - nơi được xem là đệ nhất chè Thái Nguyên, chứng kiến cuộc sống ấm no của người dân, mới thấy sức lan tỏa của phong trào nông thôn mới ở nơi đây. Những người nông dân trồng chè giờ đây đã có thu nhập cả tỷ đồng. Các sản phẩm chè của Tân Cương không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Đi qua những đồi chè búp xanh ngút ngàn, chúng tôi đến gia đình anh Trần Văn Thắng chủ cơ sở chè Tân Cương Thắng - Hường, ở xóm Hồng Thái 2. Với khoảng 9.000 m2 đất trồng chè, cơ sở của gia đình anh Thắng chủ yếu chế biến chè cao cấp như chè móc câu, chè nõn, chè đinh, giá bán khoảng từ 500 nghìn đồng đến 2.000.000 đồng/kg chè.
Theo anh Thắng cơ sở sản xuất của gia đình lúc nào cũng có từ 15 đến 20 công nhân. Những năm gần đây, gia đình anh chú trọng đầu tư thiết bị chế biến chè và nhà xưởng, hệ thống bơm tưới tiêu tự động. Đến nay cơ sở của gia đình anh có đầy đủ khu nhà xưởng chế biến chè rộng 700m2 với các thiết bị chế biến và bảo quản chè như máy sao chè, vò chè, máy lấy hương chè, máy lạnh để bảo quản chè. Thu nhập từ sản phẩm chè của gia đình anh ước đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Cùng ở xóm Hồng Thái 2, gia đình ông Lê Quang Nghìn có 8.000m2 chè được trồng và chăm bón theo quy trình VietGAP. Ngoài trồng và chế biến chè, gia đình ông Nghìn còn tham gia làm du lịch cộng đồng, đón khách đến trải nghiệm, tham quan vườn chè. Tính tổng thu nhập năm 2017 gia đình thu về cả tỷ đồng.
Ngoài việc phát triển hạ tầng kinh tế, thông qua các chương trình dự án, mô hình, hợp tác xã chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp ở Tân Cương từ đó hình thành những hợp tác xã với chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
HTX chè Tân Hương của bà Đỗ Thị Hiệp là một điển hình tiêu biểu. Với hơn 40 hội viên, diện tích 22ha chè theo tiêu chuẩn UTZ, Chè sạch Tân Hương là một trong 69 địa chỉ được xác nhận là “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch”. Chè Tân Hương đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Canada. Trung bình thu nhập các hội viên HTX đạt hơn 360 triệu/năm/ha. Nhiều gia đình có diện tích cao trên 5ha có thu nhập cả tỷ đồng.
Theo ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo “cú hích” cho Tân Cương trong xây dựng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Tận dụng thế mạnh từ cây chè nhiều gia đình đã thu tiền tỷ mỗi năm.
Kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, người dân có điều kiện để quan tâm, đóng góp, ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc thi đua làm đường, làm nhà văn hóa đã trở thành phong trào rộng khắp các xóm trên địa bàn xã. Để làm đường giao thông, xã đã vận động trên 300 hộ dân tham gia hiến đất với tổng diện tích 20.690m2, đến nay, 100% các tuyến đường giao thông liên xóm, xã được kiên cố hóa; 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia... Trong 5 năm, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình NTM ở Tân Cương là 28,43 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3,1 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo xã Tân Cương cho biết, để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xã Tân Cương tiếp tục phát động các phong trào thi đua thiết thực như “nhà sạch ngõ đẹp”, “tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp”, nâng cao tiêu chí số 17 về môi trường, xây dựng làng nghề truyền thống. Hiện xã Tân Cương đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng tốt mô hình điểm “xóm nông thôn mới kiểu mẫu” tại xóm Hồng Thái II để từ đó nhân rộng trên toàn xã và phấn đấu trở thành “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” trong giai đoạn 2020-2025.