Chính trị

Nóng với thuế suất mặt hàng phân bón

H.Vũ 15/08/2024 08:43

Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi.

anhtren.jpg
Quang cảnh phiên họp. Nguồn: Quochoi.vn

Hai luồng quan điểm

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về ý kiến đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%, trong Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách có 2 luồng quan điểm.

Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế GTGT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung dự thảo Luật và cơ quan soạn thảo, vì Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế GTGT đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua. Việc quay lại áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73,% thị phần); các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và ngân sách nhà nước sẽ không tăng thu do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, hiện phân bón là sản phẩm thuộc diện bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.

“Đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nghiêng về quan điểm thứ nhất” - ông Mạnh cho hay.

Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định Luật hiện hành thì phân bón không chịu thuế chứ không phải đánh mức thuế 0%. Do không chịu thuế nên không thể khấu trừ, hoàn thuế đầu vào cho doanh nghiệp. Từ thực tế này doanh nghiệp đề xuất áp thuế 5% để hoàn thuế doanh nghiệp. Và theo lập luận của ban soạn thảo, từ đó có thể giảm giá bán phân bón trên thị trường.

“Chúng tôi có xem lại toàn bộ báo cáo đánh giá tác động của ban soạn thảo. Nếu đánh thuế 5% với phân bón, mỗi một năm Nhà nước thu khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỷ đồng; ngân sách nhà nước thu được 4.200 tỷ đồng. Thu của người nông dân 5.700 tỷ đồng mà bảo là giảm giá bán thì không thuyết phục”- ông Giang nói đồng thời đề nghị, phải đánh giá sát hơn vì giá thành và giá bán là hai vấn đề khác nhau. Bởi giá bán còn phụ thuộc cả vào thế giới. “Nếu áp thuế 0% với phân bón thì doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước. Như vậy, ngân sách nhà nước mất 1.500 tỷ đồng/năm. Theo tốc độ tăng có thể lên tới 2.000 tỷ đồng/năm, nhưng giá bán của người nông dân ổn định, không tăng” - ông Giang đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng cho biết, ông đi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Long An và nhận được điện từ nhiều tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, bà con nông dân cho rằng, việc đánh thuế phân bón là chưa ủng hộ người nông dân.

Theo ông Tới, bà con phản ánh, những nông dân nào có điều kiện sản xuất tập trung, chất lượng cao mới có lãi. Nhưng đa số người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn sản xuất theo hộ gia đình nên bình thường, việc sản xuất đã gặp khó khăn. “Sản xuất nông nghiệp đã khó rồi, giờ lại đánh thuế vào người nông dân thì người ta sẽ bỏ ruộng hoặc có phản ứng ngược lại. Tình hình an ninh nông thôn sẽ phức tạp”- ông Tới nói và đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra ủng hộ ở góc độ bảo vệ sản xuất của người nông dân và an ninh nông thôn.

Quan tâm phòng cháy đối với nhà chung cư cao tầng

Cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Báo cáo tại phiên họp, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cu, trung tâm đô thị lớn. Có ý kiến đề nghị tách điều này thành 2 điều quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời bổ sung các quy định, giải pháp mang tính đột phá trong công tác phòng cháy đối với loại hình này, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều: Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở; và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, cần bổ sung quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà chung cư cao tầng. Vì các phương tiện phòng cháy chữa cháy như trực thăng là chưa có, thang dùng để chữa cháy mới tới tầng 20. Chúng ta cần có quy định để phòng ngừa, ngăn ngừa khi sự cố xảy ra, bởi nếu xảy ra sự cố thì rất khó khắc phục.

Đồng tình với việc tách nội dung này thành 2 điều: Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở; Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực tiễn vừa qua việc nhà ở kết hợp với kinh doanh không đủ điều kiện để đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì lần này tại Điều 19 quy định rõ về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. “Thực tế những vụ cháy vừa qua đối với loại hình này đã cho chúng ta rất nhiều bài học đắt giá. Do đó cần đúc kết để đưa vào trong Luật nhằm hạn chế tối đa việc cháy, và hậu quả khi xảy ra cháy” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng với thuế suất mặt hàng phân bón