Ngày 11/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Vấn đề tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, cơ cấu ĐBQH đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Toàn cảnh phiên họp.
Nên ghi trong luật tỷ lệ ĐBQH chuyên trách là 40%
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, vấn đề được nhiều ĐB quan tâm nằm ở ĐBQH được coi là “hạt nhân” của Quốc hội. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay thì cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37%, 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa.
Do đó thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thể hiện thành 2 phương án. Theo đó, phương án 1 giữ quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Phương án 2 quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 200 đại biểu). Trên cơ sở phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, ông Tùng bày tỏ quan điểm: “Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tán thành phương án 1”.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, số lượng ĐBQH đã được bàn từ đại hội XI, và được ghi trong Nghị quyết của Trung ương. Do đó, hướng phấn đấu từ 37-40% sẽ thu hút được những người có kinh nghiệm, những chuyên gia đã từng công tác tại các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành. “Họ không giữ chức vụ mà chỉ là ĐBQH để thu hút chất xám, trí tuệ của họ cho Quốc hội. Nếu ghi thẳng trong luật là 40%, Hội đồng bầu cử Trung ương sẽ có căn cứ, dành 3-5% cho số chuyên gia này. Còn những ĐBQH giữ chức vụ thì tỷ lệ vẫn 35% như hiện nay”-bà Tòng Thị Phóng cho hay.
Có nên nâng cấp 2 Ban thành Ủy ban?
Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm xung quanh việc nâng cấp 2 Ban trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Ủy ban của Quốc hội. Theo ông Tùng, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội để bảo đảm tính đồng bộ về loại hình tổ chức và yêu cầu chuyên môn hóa đối với bộ máy tham mưu, giúp việc Quốc hội.
Đồng tình với việc nâng cấp 2 Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành 2 Ủy ban của Quốc hội, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hiện nay đang là thời điểm chín muồi, vì công tác đại biểu là nhiệm vụ của cả Quốc hội, còn dân nguyện cũng tập hợp ý kiến của cả Quốc hội. Do đó đưa lên thành cơ quan của Quốc hội là xứng đáng.
Tuy nhiên theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Hiến pháp không quy định Ban mà chỉ quy định các Ủy ban là trực thuộc Quốc hội. “Công tác cán bộ là việc của Đảng, Ban Công tác đại biểu chỉ làm quy trình, báo cáo Quốc hội chứ không được phép quyết định. Hay như Quốc hội không giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo mà giám sát việc giải quyết đơn thư. Vì thế Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Ban Dân nguyện để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo. Như vậy những chức năng của 2 Ban này đều do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập ra, và giúp việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do đó việc nâng cấp 2 Ban này thành Ủy ban của Quốc hội cần phải bàn kỹ, làm rõ thêm chức năng nhiệm vụ và báo cáo Bộ Chính trị trước khi quyết định”-ông Phúc cho hay.
Cả nước giảm được 6 đơn vị cấp huyện, 544 đơn vị cấp xã
Cùng ngày với 100% các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Đề án về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, cấp huyện tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, TP.Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2020. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, như vậy tính đến thời điểm này, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 1. Qua việc sắp xếp cấp huyện, cấp xã tại 44 tỉnh, thành phố, trên cả nước giảm được 6 đơn vị cấp huyện và 544 đơn vị cấp xã.