Dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 đã bắt đầu được nối lại hoạt động sau gần 1 năm bị đình trệ bởi nhiều lý do. Trong đó, phải kể đến việc Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với dự án này vì cho rằng, nó có thể là công cụ chính trị của Moskva, tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ châu Âu.
Mỹ hối thúc EU ngừng dự án Nord Stream 2
Mỹ đang kêu gọi Đức và Liên minh châu Âu (EU) ngừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức mà Washington coi là "công cụ chính trị" của Moskva.
Phát biểu trên báo Handelsblatt của Đức ngày 5/12, quyền Đại sứ Mỹ tại Đức Robin Quinville nhấn mạnh: "Đã đến lúc Đức và EU cần áp đặt lệnh cấm xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức…".
Washington cho rằng, đây không chỉ là một dự án kinh tế đơn thuần mà có thể là công cụ chính trị của Moskva, tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ châu Âu.
Từ lâu, Mỹ đã chỉ trích các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, đồng thời ban bố các biện pháp trừng phạt liên quan dự án trên. Dự án đã bị đình lại khoảng một năm trước, song việc xây dựng sẽ được tiếp tục vào cuối tuần này. Dự án hiện chỉ còn khoảng 6% trong tổng chiều dài 1.230 km của đường ống còn dang dở.
Ngày 3/12, 6 ngày sau khi Công ty Nord Stream AG thông báo rằng họ sẽ tiếp tục xây dựng đường ống dẫn khí đốt, Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2021, nhắm vào dự án năng lượng khổng lồ với các lệnh trừng phạt mới.
Dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2021 của Mỹ gồm một gói chi tiêu quốc phòng khổng lồ trị giá 740 tỷ USD, trong đó nhắc đến các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 và Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã đe dọa phủ quyết dự thảo này bởi lý do không liên quan đến Nord Stream 2. Tổng thống sẽ đồng ý nếu dự thảo sửa đổi các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý hiện có đối với các công ty công nghệ.
Nhắc lại, Dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2020 của Mỹ bao gồm các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 vào tháng 12 năm ngoái, khiến nhà thầu của Allseas của Thụy Sĩ rút khỏi dự án khi chỉ còn 120 km trong số 1.230 km đường ống cần hoàn thành. Tập đoàn Gazprom của Nga đã phản ứng trước sự trừng phạt này bằng cách điều ngay tàu Akademik Cherskiy đi vòng từ vùng Viễn Đông của Nga đến Biển Baltic để chuẩn bị kết thúc dự án.
Ủy ban châu Âu (EC) đã lên án kế hoạch mở rộng các biện pháp trừng phạt của Mỹ, coi đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế và cảnh báo rằng, Brussels sẽ sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình trước Washington.
Trước các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2, Mỹ đã nhiều lần đề xuất thay thế việc cung cấp khí đốt từ Nga bằng nguồn cung cấp khí hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn của Mỹ.
Có lợi cho Đức, bất lợi đối với Ukraine
Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí đốt trị giá 10 tỷ euro (khoảng 11 tỷ USD) gần như sắp hoàn thiện đi ngầm dưới biển Baltic và được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ngoài tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga, các công ty quốc tế tham gia dự án bao gồm nhiều "ông lớn" của châu Âu như Wintershall và Uniper của Đức, Shell.
Sau khi hoàn thành, mạng lưới đường ống sẽ tăng gấp đôi công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm hiện có của đường ống Nord Stream lên 110 tỷ m3 và biến Đức thành một trung tâm năng lượng để tiếp tục cung cấp xa hơn về phía tây.
Các quan chức và các ông trùm công nghiệp của Đức đã nhiều lần chỉ ra tầm quan trọng của Nord Stream 2 như một phương tiện để đảm bảo an ninh năng lượng của Berlin trong bối cảnh nước này đang dần ngừng sử dụng điện hạt nhân và điện than.
Ngày 4/12, Hiệp hội Doanh nghiệp miền Đông của Đức xác nhận, tới 70% mạng lưới của Nord Stream 2 có thể chứa đầy hydro, một loại nhiên liệu sạch khi được sử dụng trong pin nhiên liệu sẽ tạo ra nước như một sản phẩm phụ.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Yuriy Korolchuk thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Ukraine cho rằng dự án Nord Stream 2 hoàn thành có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến Kiev, vì vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống ở Ukraine có thể giảm đáng kể.
Theo chuyên gia này, việc hoàn tất dự án sẽ khoanh vùng khí đốt ở châu Âu và đảm bảo khí đốt cho các nước trước đây không được Dòng chảy phương Bắc hay Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bao phủ. Do đó, nhu cầu khí đốt cho Cộng hòa Séc, Hungary và Italy sẽ được giải quyết.
Trong điều kiện như vậy, việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ là "thừa". Và khối lượng chuyển tải có thể không đủ cung cấp ngay cả cho Công ty chuyển tài khí đốt Ukraine. Chuyên gia này dự kiến Dòng chảy phương Bắc 2 có thể hoàn công vào tháng 4-6/2021, vì 93% dự án đã hoàn thành.