Với tác phẩm “Về nhà”, NSND Hoàng Cúc vừa được trao giải Tư tại cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”.
Ngày 11/11, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức trao giải cuộc thi viết truyện ngắn mang tên “Làng Việt thời hội nhập”.
Theo đó, cuộc thi được phát động và nhận tác phẩm dự thi từ ngày 26/4/2019, kết thúc nhận bài vào ngày 28/2/2021 và đã nhận được 1.256 tác phẩm dự thi, trong đó có 800 tác phẩm hợp lệ.
Cuộc thi truyện ngắn làng Việt thời hội nhập đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều cây viết chuyên nghiệp như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà văn Trần Chiến, nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Kim Nhũ, nhà văn Nguyễn Trí, nhà văn Trần Văn Thước, nhà văn Trần Thanh Cảnh…
Điều đáng chú ý là có những tác giả cùng lúc gửi nhiều tác phẩm dự thi như tác giả Trần Thị Trang ở Hà Nội gửi 34 tác phẩm; tác giả Đặng Ngọc Hưng ở Hà Nội gửi 13 tác phẩm; tác giả Đỗ Xuân Thu với tổng 11 tác phẩm dự thi...
Cuộc thi có sự tham gia của một tác giả khiếm thị là Nguyễn Văn Thuận đến từ Hưng Yên; tác giả nhiều tuổi nhất là ông Bùi Quang My với bút danh: Linh Phương Giang (ở Xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã gửi 3 truyện: “Khoảng trời riêng của bố”, “Thằng cháu đích tôn”, “Kể về một mối tình” bằng bản viết tay gửi Ban tổ chức.
Đánh giá về chất lượng, Hội đồng Giám khảo nhận định, các truyện ngắn dự thi đã góp phần khái quát nên bức tranh chân thực, sống động về làng quê Việt trong thời buổi hội nhập sâu rộng về mọi mặt của đời sống. Trong đó, nhiều bài viết đã có những góc nhìn, góc khai thác đầy nhân văn, nhân bản và cảm xúc về những vùng đất, con người, câu chuyện, sự việc… đầy thân quen và cũng đầy mới mẻ.
Không ít tác phẩm đi sâu vào phản ánh những mặt trái đầy gai góc và trần trụi của về sự thay đổi của làng quê Việt. Nhiều truyện ngắn đã để lại những ấn tượng sâu đậm và đẹp đẽ trong lòng bạn đọc.
Kết quả 16 truyện ngắn xuất sắc trong đó 1 giải Nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải tư đã được Hội đồng chung khảo chấm và đạt giải. Trong đó, giải Nhất thuộc về “Con chú con bác” của nhà báo, nhà thơ Trần Chiến. Giải Nhì thuộc về “Xóm cồn” gồm Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh An Thư) và “Cô Sáu Cam” - Lê Ngọc Hạnh. Giải Ba được trao cho tác phẩm “Vân tay mắt Phật” - Trần Nhã Thụy; “Trò săn vịt” - Phát Dương; “Hoa mía” - Ngô Hòa Bình.
Đặc biệt ở giải Tư, NSND Hoàng Cúc đã vinh danh với tác phẩm “Về nhà” cùng 9 tác giả khác.
Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 9 giải thưởng của BTC dành cho các tác giả đã có những đóng góp, hưởng ứng cuộc thi với tác phẩm chất lượng.
Chia sẻ tại buổi lễ, NSND Hoàng Cúc bày tỏ, những cảm hứng về đề tài nông thôn luôn đến một cách bất chợt. Bản thân tôi thích viết những truyện ngắn mang hơi hướng thực tế và phá cách.
Về nhà, tôi đã xây dựng hình tượng một cô bé với giấc mơ của một cô bé khi lạc vào khuôn viên của Văn miếu Quốc tử giám.
"Trong quá trình sáng tác, những chi tiết trong truyện đôi lúc khiến tôi ám ảnh và liên tưởng nhiều đến thực tế. Qua câu chuyện, tôi mong muốn phóng tầm nhìn về những người tri thức có đam mê, ấp ủ, hoài bão... Những con người này cần phát ra những thông điệp, tín hiệu để không bỏ trôi những dự định, hoài bão của họ".
NSND Hoàng Cúc chia sẻ thêm, khi 13 tuổi, bà đã tiếp cận với những tác phẩm của văn học thế giới. Những tác phẩm ấy đã định hình và hòa trộn vào những tác phẩm, phong cách, lối viết của mình. Ngày nhỏ, bà thường viết những tản văn về câu chuyện đời thường. Đó là những câu chuyện thực mà tôi từng chứng kiến, trải nghiệm.
Qua nhiều năm tháng, những tác phẩm ấy đã dần thất lạc và mất đi theo thời gian. Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của tôi chính là tình yêu với thơ ca. Trong những ngày mới bắt đầu, tôi thường dùng ngòi bút và mực tàu để chép lại những bài thơ hay mà mình yêu thích.
Các tác giả nổi tiếng thế như: Heinrich Heine, Puskin... là những thần tượng lớn mà tôi theo đuổi. Với các tác giả trong nước, tôi yêu thích: Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... Khi làm về nhạc kịch, tôi đặc biệt thần tượng tình yêu và tài năng của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.
Chia sẻ về thói quen đọc sách, NSND Hoàng Cúc cho biết bản thân yêu thích và giỏi văn từ những năm cấp ba. "Do tôi, tôi thường xuyên tìm hiểu các tác phẩm văn học. Thời gian đó, tôi có thể say mê đọc những cuốn tiểu thuyết trong suốt cả ngày lẫn đêm. Hiện nay, tôi thích đọc những cuốn sách hay về luân thường đạo lý. Đặc biệt tôi rất thích những bộ phim của điện ảnh Mỹ. Bởi lẽ, những tác phẩm này giúp tôi nhận ra sự nhiệt huyết của những nghệ sĩ quốc tế".
NSND Hoàng Cúc cho biết hiện đang nghiên cứu cuốn sách cuốn “Biết đủ là phải”. Bên cạnh đó, người nghệ sĩ vẫn tiếp tục sáng tác truyện ngắn và sống với đam mê thơ ca của mình. NSND Hoàng Cúc cũng mong muốn tác phẩm dự thi của mình trong cuộc thi Làng Việt thời hội nhập sẽ được dựng thành phim và tiếp cận nhiều hơn tới đông đảo công chúng.
Cũng nhân dịp này, BTC cuộc thi còn thực hiện in tuyển tập những truyện ngắn xuất sắc nhất, đóng góp một phần nhỏ trong kho tàng truyện ngắn về đề tài nông thôn. Tuyển tập truyện ngắn với tựa đề “Thổn thức gió đồng” bao gồm 28 tác phẩm, trong đó có 16 tác phẩm đạt giải thưởng và 12 tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào chung khảo như: “Thổn thức gió đồng” của tác giả Vũ Thị Quỳnh Dao “Bút danh: Dương Giao Linh”; “Ông ngoại” của nhà văn Trần Thanh Cảnh; “Sớm mai” của nhà văn Nguyễn Trọng Văn; “Hưu quê” của nhà văn Ngô Văn Giá; “Người tạo ra di tích” của nhà văn Nguyễn Hiếu; “Người giữ thành hoàng làng” của nhà văn Đỗ Xuân Thu…
Tại sự kiện, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay Phan Huy Hà cũng phát động cuộc thi sáng tác mới mang tên “Tìm lại lời ru”.
Cuộc thi dành cho tất cả công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt dân tộc, tuổi tác, giới tính, tôn giáo, nghề nghiệp, thành phần xã hội… có tình yêu với hát ru, biết sáng tác lời/điệu hát ru và có tác phẩm phù hợp với tiêu chí lẫn thể lệ cuộc thi đều được tham gia. Cuộc thi sẽ bắt đầu từ nhận tác phẩm từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2022.
Công bố và trao giải thưởng, dự kiến tháng 2/2022.