Nhận danh hiệu NSND lần này, với diễn viên Minh Châu không phải là sớm sủa gì. Chị nổi tiếng sớm, thuộc hàng diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam với các vai diễn xuất sắc trong nhiều bộ phim đã thuộc về kinh điển. Nhưng được nhớ nhiều nhất là phim “Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tới tận bây giờ, chị vẫn tham gia đóng phim truyền hình và tạo những vai diễn ấn tượng như trong phim “Bí thư tỉnh uỷ”.
NSND Minh Châu tâm sự:
Tôi quan niệm Nghệ sĩ của nhân dân là nhân dân biết mình, đi đến đâu nhân dân yêu quý mình, dành cho mình những ánh mắt đầm ấm, yêu thương, có những hành động, cử chỉ nhỏ thôi nhưng thể hiện sự yêu quý. Đó là danh hiệu cao quý nhất. NSND Minh Châu |
Được phong Nghệ sĩ nhân dân năm 2015, với tôi là một sự công nhận của nhà nước đối với quá trình lao động, sáng tạo của mình. Nhưng thực ra, tôi không trông đợi gì cả. Chúng tôi làm nghề, làm phim đều dốc hết sức mà không bao giờ nghĩ đến danh hiệu, danh nghĩa gì. Nếu nghĩ đến điều ấy thì tôi đã làm hồ sơ từ lâu rồi. Tôi quan niệm Nghệ sĩ của nhân dân là nhân dân biết mình, đi đến đâu nhân dân yêu quý mình, dành cho mình những ánh mắt đầm ấm, yêu thương, có những hành động, cử chỉ nhỏ thôi nhưng thể hiện sự yêu quý. Đó là danh hiệu cao quý nhất. Nếu những người là nghệ sĩ nhân dân mà nhân dân chẳng biết họ là ai thì danh hiệu chẳng hiểu để làm gì? Ngược lại, tôi biết có những người rất giỏi nhưng đâu cần đến danh hiệu ấy.
Thời của tôi có mỗi một con đường đi và tôi sống chết vì nghề này. Tôi may mắn hơn một số người có được những vai tốt hơn, có những giải thưởng. Nhưng niềm đam mê đối với nghề diễn giống như một dòng suối chảy không bao giờ cạn. Đóng xong bộ phim này, chúng tôi lại bị cuốn theo một kịch bản khác mà lần nào cũng diễn hết mình, sáng tạo hết mình với mong muốn đem lại thật nhiều cảm xúc cho khán giả.
Năm vừa rồi tôi có đi dự một trại sáng tác do Hội Điện ảnh tổ chức. Từ đây, tôi có suy nghĩ sẽ viết một câu chuyện dựa trên cuộc đời mình để dựng thành phim. Tôi chưa có ý định viết hồi ký là bởi vì hiện giờ tôi chưa đủ can đảm để viết tất cả những bí mật phía sau những gì mọi người vẫn nhìn thấy, vẫn biết về Minh Châu. Biết đâu có người “vỡ mộng” rằng tại sao Minh Châu lại như thế?
Bản thân tôi chưa đọc cuốn hồi ký “Một đời giông bão” của anh Thương Tín nhưng có nghe nhiều ý kiến về cuốn sách, tiêu cực có, tích cực có. Trước đây cũng có cuốn hồi ký của nghệ sĩ Lê Vân gây nhiều tranh cãi khi ra mắt. Cá nhân tôi vẫn quan niệm đã viết hồi ký thì phải viết thật, không giấu bất kỳ chuyện gì. Nhưng tôi hiểu không thể giãi bày hết cả tâm tư, con người của mình trong vài trăm trang sách nên sẽ rất khó để mọi độc giả hiểu hết về mình. Tôi cũng không muốn những gì mình viết ra sẽ gây sốc, để dư luận hoặc những người liên quan trong câu chuyện đó trách móc. Tôi không phải là người hoàn hảo, và có lẽ trên thế giới này không tồn tại một người hoàn hảo. Nhưng nếu có kể câu chuyện của mình, hãy làm sao để mình là một tấm gương tốt, đem lại những suy nghĩ tích cực cho người đọc mình.
Viết kịch bản phim thì khác. Có thể sẽ “lách” đi một chút được. Và có thể thêm “da”, thêm “thịt” để câu chuyện hấp dẫn hơn. Tôi dự định sẽ nhờ người chắp bút cho câu chuyện của mình. Hiện tôi vẫn đang băn khoăn nên bắt đầu từ đâu. Có lẽ tôi sẽ cân nhắc để bắt đầu từ cuộc sống riêng của mình với những chi tiết tương đối hấp dẫn nhưng không có nghĩa là công khai danh tính thật của những người trong cuộc. Cuộc sống mà. Có những người sẽ “sợ” lắm đấy nếu tôi viết hồi ký.