Vào ngày 28/12/2016, Thủ tướng đã từng yêu cầu Bộ VHTTDL phải rà soát lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Vậy tại sao đến thời điểm này, sau cuộc làm việc chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại đưa ra quyết định sẽ trình Thủ tướng đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa? NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng: Trước đây, Bộ VHTTDL chỉ đạo tiến hành cổ phần hóa thì chính họ lại cùng các công ty tư vấn, công ty kiểm toán cũ, rà soát thì làm sao khách quan. Việc thanh t
NSND Nguyễn Thanh Vân. (Ảnh: Việt Hòa).
Đẩy cổ phần hóa vào sự đã rồi
Là người mà gia đình mình và vợ đều gắn bó mật thiết với điện ảnh từ lúc thành lập đến nay, NSND Nguyễn Thanh Vân không chỉ đam mê mà còn hiểu sâu sắc về giá trị của VFS (ông là con trai cố đạo diễn, giám đốc VFS NSND Hải Ninh, con rể của đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa - Giám đốc Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, Xưởng phim truyện Việt Nam (tiền thân VFS) và vợ cũng là NSND, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang). Trong việc “đấu tranh” để minh bạch cổ phần hóa VFS, NSND Nguyễn Thanh Vân được nhiều đồng nghiệp quý mến và tin tưởng. Vì vậy, tại cuộc đối thoại chiều 19/9, ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) đã có những lời lẽ chì chiết NSND Nguyễn Thanh Vân.
Tại sao ông lại không được đưa vào Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo cổ phần hóa? Phóng viên Đại Đoàn Kết hỏi. NSND Thanh Vân nói: Đó là việc của ông Vương Tuấn Đức (đạo diễn Vương Đức) – Giám đốc VFS. Năm 2015, ông Đức thành lập tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa - Bộ VHTTDL gồm 7 người trong đó lại không có hai Phó Giám đốc, hai ủy viên Hội đồng thành viên là tôi và NSND quay phim Lý Thái Dũng. Thay vào đó là hai nhân viên VFS.
Phóng viên hỏi: Sao việc định giá thương hiệu VFS lại là 0 đồng? – Đó là xúc phạm ghê gớm. NSND Thanh Vân ngậm ngùi. Ông Vương Đức cùng với công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần là Công ty TNHH kiểm toán quốc gia VIA và Công ty tư vấn cổ phần hóa là Công ty chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương đưa ra giá trị thương hiệu và giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất đai của VFS bằng 0, với sự đồng ý của Ban cổ phần hóa – Bộ VHTTDL. Chính vì định giá VFS rẻ mạt nên dẫn tới việc Vivaso chỉ với 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược.
Nhưng ngày 28/12/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 441/TB-VPCP. Nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 14/12/2016 về công tác cổ phần hóa VFS và quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Thông báo có hai nội dung liên quan đến VFS. Thứ nhất là Bộ rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Thứ hai, phải phối hợp với các Bộ: Tài chính, Khoa học và công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày, truyền thống của VFS để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định. Vậy ông có biết lý do gì Bộ VHTTDL, VFS lại tiến hành cổ phần hóa mà không định giá thương hiệu VFS?
NSND Thanh Vân ngao ngán: Thông báo đó của Văn phòng Chính phủ là sau khi có rất nhiều đơn, nhiều lần kiến nghị của tập thể những nghệ sĩ, nhà quản lý có tên tuổi chúng tôi như NSND Trà Giang; Nhà biên kịch Phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát; Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã; NSƯT Đức Lưu; NSND diễn viên Minh Châu; NSƯT đạo diễn Nguyễn Đức Việt; NSƯT Họa sĩ Vũ Huy; Chuyên viên kinh tế Lê Hồng Sơn…
Còn việc cổ phần hóa rồi, tiến hành đại hội cổ đông lần thứ nhất rồi mà vẫn chưa tiến hành xác định giá trị thương hiệu VFS căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày, truyền thống của VFS để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước, thì tôi không hiểu là họ dối trá hay chống đối. Tôi cũng đã tranh luận với lãnh đạo Bộ VHTTDL nhưng họ nói tôi hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Tôi không chấp nhận và vẫn bảo lưu ý kiến. Bởi lẽ, nếu giá trị thương hiệu của VFS cao hơn con số 32,5 tỷ tương đương với 65% giá trị doanh nghiệp mà Vivaso bỏ ra, thì ai sẽ là nhà cổ đông chính, cổ đông chiến lược của VFS? Lúc đó sẽ làm lại từ đầu hay sẽ rơi vào vô tăm tích? Hay sẽ tìm cách định giá giá trị thương hiệu thật thấp? Vì vậy, yêu cầu của Thủ tướng để Bộ VHTTDL rà soát thì sẽ bị họ biến báo. Và trên đời này, không có một “tội phạm” nào lại tự đi làm lại, quay lại, viết lại… về quá trình gây tội lỗi của mình rồi đem về báo cáo với các cơ quan pháp luật. Chắc chắn phải có sự giám sát của Công an, Viện kiểm sát, Toà án… Họ “rất khẩn trương” cổ phần hóa để đẩy tất cả vào tình thế việc đã rồi.
Hãng phim truyện Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Ngọc Thành).
Làm ngược quy định
Tại sao anh lại nói họ “rất khẩn trương” cổ phần hóa để đẩy mọi sự vào việc đã rồi? Phóng viên hỏi. NSND Thanh Vân nói: Trong văn bản Thông báo số 441/TB-VPCP ngày 14/12/2016 của Văn phòng Chính phủ có đề cập đến nội dung giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên môi trường rà soát, báo cáo tình hình thực hiện quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu vực có lợi thế kinh doanh do doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng; nghiên cứu, xây dựng quy định bán đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thu hồi đất bảo đảm chặt chẽ, sát với giá thị trường, tránh thất thoát tài sản nhà nước; nghiên cứu, xây dựng quy định về thuê đất tại các vị trí có lợi thế kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Và ngày 16/3/2017, Bộ Tài chính có dự thảo Nghị định để thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Nghị định 59 này có nhiều thiếu sót, đặc biệt là cho phép đặt giá trị đất và ưu thế sử dụng vị trí đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Lo ngại dự thảo này sẽ được thông qua và có hiệu lực, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Bộ VHTTDL đã cho phép ông Vương Tuấn Đức – Tổ trưởng tổ giúp việc làm Đại hội cổ đông lần 1 vào ngày 20/5/2017 và ngày 23/6/2017 thành lập Công ty cổ phần đầu tư phát triển phim truyện Việt Nam.
Thế là họ “vận dụng” tốt quy định pháp luật chứ? Phóng viên nói. NSND Thanh Vân lắc đầu. Họ vẫn có những sai phạm. Ví như Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 189/2013/NĐ-CP) quy định: “Đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, văn phòng giao dịch; xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối (kể cả đất đã được Nhà nước giao có thu hoặc không thu tiền sử dụng đất) thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải được gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp được lựa chọn hình thức thuê đất hoặc giao đất theo quy định của Luật Đất đai”. Trong khi bản công bố thông tin vào tháng 3-2016 thông báo: “Đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam đang trong quá trình chờ kết quả của các cơ quan có thẩm quyền phê án sử dụng đất của công ty”. Như vậy có thể thấy rằng phương án sử dụng đất chưa được phê duyệt nhưng VFS đã tự xác định giá trị doanh nghiệp là trái pháp luật.
Cùng với việc không xác định giá trị thương hiệu VFS, phương án sử dụng đất chưa được phê duyệt mà đã cổ phần hóa, và vi phạm không trả lương với mức lương bình quân 4.800.000 đồng/người/tháng cho năm 2017 theo cam kết… cho thấy nhiều sai phạm của Ban chỉ đạo cổ phần hóa, của Vivaso…
Câu chuyện với NSND Nguyễn Thanh Vân đến đây tạm dừng. Ông hẹn tôi sẽ trao đổi tiếp vấn đề khi có thông tin mới.