Là một đồng nghiệp âm nhạc, một người bạn, người em sát cánh với TS.NSND Quốc Hưng nhiều năm qua, tôi vẫn cứ thích nhắc đến chữ duyên khi thực hiện bài viết về anh.
1. Việc quyết định đi theo con đường ca hát mới, lại theo dòng opera vốn chẳng liên quan đến nghệ thuật chèo trước đó từng theo đuổi chính là bước ngoặt cuộc đời đối với NSND Quốc Hưng. Nhiều năm về trước, vào những tháng năm đầu tiên của thập niên 1990, trong một lần đến Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, anh chàng kép chính của Nhà hát Chèo Hà Nội gặp được thầy Qúy Dương. Chẳng hiểu lý do gì mà rồi anh kép chèo cất tiếng hát và người nghệ sĩ lớn của nghệ thuật ca hát mới đã viết một thư tay đưa cho Quốc Hưng, bảo vào Nhạc viện Hà Nội và gửi trực tiếp cho nhà giáo Diệu Thúy, lúc ấy là đương kim chủ nhiệm khoa Thanh nhạc.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhà giáo Diệu Thúy của từ những năm 1990 ấy không ai có thể ngờ người trò khi ấy sau này lại kế nhiệm sự nghiệp, gánh vác trên vai công việc của Khoa Thanh nhạc với cương vị chủ nhiệm khoa. Nhưng chặng đường để Quốc Hưng đi từ đó đến thời điểm bây giờ là một con đường dài cùng lắm những thử thách.
Không nói thì ai cũng có thể hiểu giữa ca hát truyền thống dân tộc với nghệ thuật opera kinh điển thế giới khác nhau một trời một vực, và đương nhiên từ một anh kép chèo đầy triển vọng thành một nghệ sĩ opera sở hữu giọng bass hàng đầu Việt Nam là một con đường không tưởng, nhưng Quốc Hưng với lòng kiên trì và sự bền bỉ đã làm được ngay từ khi anh vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Giải ba Cuộc thi hát thính phòng nhạc kịch toàn quốc năm 1997 rồi, giải Nhất cũng cuộc thi này tổ chức sau đó, năm 2000. Cũng khoảng thời gian này, Quốc Hưng còn tạo bất ngờ lớn khi mang về những giải thưởng quốc tế đầu tiên với những chiếc cúp vàng, cúp bạc một trong những Liên hoan âm nhạc được đánh giá là lớn của khu vực châu Á.
Trên hành trình từ bỏ những thói quen trong ca hát gắn liền với nghệ thuật Chèo và chinh phục kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao của phương Tây không thể không kể tới một người thầy đồng hành cùng Quốc Hưng trong những năm tháng đầu tiên ấy, NSND Trần Hiếu.
Tất cả những gì mà Quốc Hưng đã quyết định trong bước ngoặt ấy và cả những người thầy, người cô và thầy Trần Hiếu đó có thể coi là một định mệnh của cuộc đời anh. Cái định mệnh xuất phát từ một chữ duyên, để rồi chữ duyên dẫn bước cho Quốc Hưng gặp những người thầy, và cũng chữ duyên giúp Quốc Hưng vững bước vượt qua từng thử thách trong bước đường chinh phục nghệ thuật thanh nhạc và gặt hái được những thành công.
2. Cách đây chưa lâu, khi tôi thực hiện cho VTVcab một chương trình ca nhạc quy mô nhỏ dạng studio có nội dung về tình thầy trò nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi đã chọn NSND Quốc Hưng. Lý do tất nhiên không xuất phát từ quan hệ cá nhân mà là ở Quốc Hưng có nhiều chất liệu.
Bản thân Quốc Hưng là người thầy có rất nhiều học trò. Nhiều trong số học trò của Quốc Hưng giờ cũng đã là những người thầy và đang vững vàng trên con đường âm nhạc cũng như sự nghiệp đào tạo. Trong khi, chính Quốc Hưng cũng có những người thầy và trong đó có những người thầy gắn bó với anh không khác gì người cha ở ngoài cuộc sống. Và cuối cùng, chương trình của tôi được thực hiện với 3 nhân vật chính: NSND Trần Hiếu, NSND Quốc Hưng và NSƯT Hoàng Tùng.
Có lẽ, phải là chữ duyên mới tạo nên sự gắn kết thầy trò giữa Quốc Hưng với thầy Trần Hiếu và trò Hoàng Tùng.
Quốc Hưng chia sẻ, ngày anh mới quyết định chuyển sang học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), đã không ít lần vì những lý do khác nhau nhưng phần nhiều là vì hoàn cảnh kinh tế lúc ấy mà anh quyết định dừng việc học. Trong những năm tháng ấy, thầy Trần Hiếu, đường đường một giọng ca lừng lững của nền nghệ thuật ca hát mới Việt Nam, không ngần ngại đi khắp mọi ngả đường, con phố, đi bất cứ nơi đâu hễ có một ai cung cấp tin tức rằng, có thể gặp Quốc Hưng ở đó để động viên cậu học trò nhanh chóng quay trở lại việc học tập và trau dồi giọng hát.
Ngay cả khi Quốc Hưng đã quay trở lại rồi thì những năm tháng đầu thập niên 1990 khi cả thầy và trò cũng chẳng khá khẩm gì, nhưng thầy cũng vẫn phải quan tâm, sẻ chia từng điều nhỏ trong cuộc sống với cậu học trò có giọng hát đặc biệt và có tinh thần hiếu học. Mấy ai như thầy Trần Hiếu, nhường cả chiếc xe máy “ngon nhất” và duy nhất của mình cho trò Quốc Hưng bất cứ lúc nào anh cần đến, những điều đó mãi giữ nguyên trong trái tim Quốc Hưng. Có lẽ đó cũng như một liều thuốc tinh thần động viên người trò bước qua những năm tháng trau dồi kiến thức.
Với người trò của mình cũng thế, Quốc Hưng biết đến Hoàng Tùng từ ngày anh còn tham gia giảng dạy cộng tác với trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh Quảng Ninh, sau khi trò ra Hà Nội tiếp tục việc học tập nâng cao kiến thức thanh nhạc,thầy Quốc Hưng cũng luôn sát cánh và cùng trò Hoàng Tùng vượt qua mọi khó khăn. Giải Nhất cuộc thi Sao Mai toàn quốc 2003 của Hoàng Tùng là món quà lớn dành cho thầy Quốc Hưng.
Với Quốc Hưng, Hoàng Tùng là người học trò đầu tiên kể từ khi anh chính thức bước sang vai trò một giảng viên thanh nhạc. Còn với thầy Trần Hiếu, Quốc Hưng là một cậu học trò đặc biệt, cậu học trò chân truyền với giọng nam trầm dầy đầy đặn được coi là kế tiếp một cách xứng đáng của mình.
3. Tôi không biết thời điểm bắt đầu từ khi nào, nhưng khi tôi biết về các hoạt động thiện nguyện của Quốc Hưng thì nó đã là một trong những hoạt động gắn liền với cuộc sống của anh. Có một điều thôi thúc tôi cần phải nhắc tới điều này khi nói về Quốc Hưng nhưng lại phải nhắc trong bí mật cho tới khi bài báo này được xuất bản, tức là tới lúc không thể giữ bí mật với Quốc Hưng được nữa. Sở dĩ tôi muốn nói và phải giữ bí mật vì hoạt động của Quốc Hưng rất mạnh mẽ, hiệu quả nhưng hầu như anh lại tổ chức trong âm thầm, lặng lẽ, không rùm beng báo đài.
Đồng hành với Quốc Hưng trong hoạt động này là những người đồng nghiệp, những học trò cùng chung mong muốn. Và đặc biệt, người giữ vai trò như tổng đạo diễn thay cho Quốc Hưng những việc cụ thể chính là người bạn đời của anh, nghệ sĩ đàn tỳ bà Thu Quyên.
Các hoạt động thiện nguyện của vợ chồng nghệ sĩ Quốc Hưng cùng đồng nghiệp chủ yếu hướng về trẻ em vùng cao gắn liền với môi trường giáo dục đào tạo. Vì thế, một dự án thiện nguyện của anh thường khá dài hơi, nó trong khoảng trên dưới một năm với hoạt động trọng tâm là xây các lớp học hoặc nhà bán trú kiên cố cho trẻ em vùng cao. Hơn nữa, quan điểm thực hiện hoạt động thiện nguyện là nhóm sẽ trực tiếp thực hiện, kiểm soát thu chi và giám sát công trình nên khá mất công tốn sức nhưng lại chủ động được hoạt động của mình.
Có một thú vị, đi kèm với hoạt động chính này là các cuộc khảo sát địa bàn, cuộc kiểm tra tiến độ, cuộc nghiệm thu công trình, khánh thành công trình, trở lại thăm công trình… Mỗi một lần như thế, nhóm thiện nguyện lại tổ chức các hoạt động vui chơi cho các học trò vùng cao, trao tặng quà gồm quần áo, dầy dép, bánh kẹo, sữa… Bản thân tôi cũng đã có đợt tham dự một buổi khánh thành dãy phòng trọ bán trú dành cho học sinh vùng cao thuộc xã Tân Nam, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
Đó là giữa tháng 9 năm 2019 trùng đúng vào ngày Trung thu. Vậy là sau một chặng đường dài từ Hà Nội lên thị trấn trung tâm huyện Quang Bình nghỉ một đêm, sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục vượt thêm vài chục km vào đến trung tâm xã và tổ chức lễ khánh thành kèm theo tổ chức phá cỗ Trung Thu và tặng quà cho các em học sinh tiểu học Tân Nam. Buổi lễ khánh thành và Tết Trung thu đã tạo cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Ngay trên hành trình trở lại Hà Nội, vợ chồng nghệ sĩ Quốc Hưng cũng đã bàn bạc cùng các cộng sự về kế hoạch đi khảo sát lần thứ 2 một điểm trường thuộc vùng sâu của tỉnh Lai Châu.
4. Nhận được những yêu thương từ cuộc đời, chia sẻ những yêu thương cho cuộc đời có lẽ cũng là cái duyên của NSND Quốc Hưng. Xuất phát từ chữ duyên mà gánh vác trên vai sứ mệnh về nghê thuật âm nhạc cả trong lĩnh vực đào tạo và biểu diễn đỉnh cao. Cũng xuất phát từ chữ duyên mà trong hành trình cuộc đời Quốc Hưng có thêm những lát cắt rất đáng chú ý trong công tác thiện nguyện, trong sự chăm sóc, yêu thương những người học trò, trong sự tri ân với những người thầy của mình.
Dẫu bộn bề công việc nhưng Quốc Hưng vẫn không quên miệt mài nhả tơ khi anh vừa công bố với công chúng cuốn sách chuyên sâu đầu tiên mang tên: “Đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam”, anh đang cùng những cộng sự của mình trong đó có tôi gấp rút hoàn thành cuốn sách thanh nhạc mang tên “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” đây là một tâm huyết của tác giả, NSND Trần Hiếu, người thầy của anh. Bên cạnh đó, Quốc Hưng cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị cho ra mắt một album với 10 ca khúc nhạc tình lãng mạn.
Rõ ràng cuộc đời của Quốc Hưng là âm nhạc và anh đến với âm nhạc từ chữ duyên. Nhưng để chữ duyên ở lại bền lâu với mình, Quốc Hưng đã có một chặng đường dài kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và sẵn sàng vượt qua những thử thách đồng thời không ngừng hướng tới những điều tích cực cho cuộc đời cả trong âm nhạc và đời sống. Cho nên chữ duyên như thế mới trọn chữ duyên.