Năm 2019 với Nhà hát Kịch Hà Nội không chỉ ghi dấu 60 năm Ngày thành lập và còn ghi nhận những bước chuyển mình nhằm thích ứng sự phát triển của xã hội. Ở đó, không thể phủ nhận vai trò của người “thuyền trưởng” NSND Trung Hiếu trong việc đã tạo ra một “bộ mặt” hoàn toàn mới cho Kịch Hà Nội.
NSND Trung Hiếu hạnh phúc bên vợ.
PV:Nhìn chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của Nhà hát Kịch Hà Nội, chắc hẳn với anh lúc này có rất nhiều cảm xúc?
NSND TRUNG HIẾU: Tư cách một người nghệ sĩ được sống và làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội với cá nhân tôi một niềm vinh dự. Nếu không có Nhà hát Kịch Hà Nội thì không có Trung Hiếu của ngày hôm nay. Có thể nói, 60 năm kể từ ngày thành lập, có thể tự hào rằng Nhà hát Kịch Hà Nội là thánh đường nghệ thuật với rất nhiều tinh hoa hội tụ. Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay Nhà hát Kịch Hà Nội đã có 9 NSND và 23 NSƯT. Không những có được sự xây dựng và bồi dưỡng của thế hệ nghệ sĩ vàng, mà ngày nay Nhà hát còn sở hữu nhiều lớp diễn viên trẻ đầy triển vọng, được khán giả yêu thích trên sân khấu và truyền hình. 60 năm trôi qua, Nhà hát chúng tôi đã dàn dựng, biểu diễn được hơn 200 vở diễn và các chương trình lớn, biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 9.000 buổi, trên 4,5 triệu lượt người xem. Đặc biệt là từ năm 2012 trở lại đây, qua 3 cuộc thi Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, liên tiếp chúng tôi luôn đạt thành tích cao nhất là khẳng định được thương hiệu và tên tuổi của mình trong ngành Kịch nói của Thủ đô cũng như của cả nước. Để có được những thành công đó tất cả là nhờ những ngọn lửa truyền nghề đầy đam mê và không bao giờ lụi tắt mà các bậc tiền bối cha anh đã truyền lại, cùng tình yêu dành cho mái nhà chung Kịch Hà Nội của thế hệ nghệ sĩ, diễn viên luôn sẵn sàng vượt qua những thứ thách và khó khăn để tiếp tục tỏa sáng và viết tiếp những trang lịch sử đáng tự hào của Kịch Hà Nội trong những năm tháng tiếp theo.
Thực tế cho thấy sân khấu kịch trong những năm gần đây đang đối mặt với vô vàn thách thức. Với vai trò là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, anh sẽ làm gì để vượt qua những khó khăn này?
- Trong giai đoạn phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, các hình thức giải trí - nghệ thuật vô cùng đa dạng và phong phú, đây sẽ là giai đoạn thử thách mới đầy cam go không chỉ dành riêng cho Nhà hát Kịch Hà Nội mà còn cho các đơn vị nghệ thuật khác trong cả nước. Ở đó, sân khấu kịch đòi hỏi phải làm mới, khắt khe với chính mình để khán giả không quay lưng lại. Bởi mình khắt khe với nghề thì mọi người mới không khắt khe với mình. Quan trọng nhất trong nghề là phải tránh được sự nhàm chán, luôn làm mới bản thân, luôn buộc bản thân phải thay đổi. Bản thân tôi trong thời gian qua cũng thử sức với nhiệm vụ hoàn mới là làm đạo diễn. Vở nào hay thì tôi sẽ làm. Hiện tại tôi vẫn muốn trau dồi thêm nghề đạo diễn để nó chín hơn. Với tôi, dù làm đạo diễn hay diễn viên, cái gì cực thích thì mới làm, không thì đừng làm. Chỉ thấy hơi thích hoặc thấy cũng đường được thì tốt nhất là dừng lại. Mình không thấy hay thì làm sao làm cho hay được, mình không thấy hay thì khán giả sao thấy hay?
NSND Trung Hiếu.
Vậy trong thời gian qua Nhà hát Kịch Hà Nội đã có những đổi mới gì?
- Chính vì những khó khăn đang hiện hữu, trong thời gian qua chúng tôi cũng đã có những sự chuyển mình và chuẩn bị cho giai đoạn 4.0. Với một đơn vị nghệ thuật biểu diễn thì mọi “guồng máy” dù đã vận hành trơn tru thì vẫn phải thay đổi để có thể đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của khán giả. Điều đầu tiên phải kể đến trong năm 2019 đó là việc rạp Công Nhân được tiến hành sửa chữa. Sân khấu cũ được dỡ bỏ và thay thế lắp đặt hệ thống sân khấu quay và nâng hiện đại. Tháng 11/2019, Nhà hát Kịch Hà Nội đã nghiệm thu sân khấu mới trên tầng 2 tại rạp Công Nhân. Sân khấu mới là bước đà đầu tiên để khởi động và xây dựng những dự án mới trong tương lai của Nhà hát. Đặc biệt, vở diễn “Hà thành chính khí”, công trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959-2019), chào mừng Đại lễ 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (2020) đã được biểu diễn trên sân khấu với hệ thống quay và nâng hiện đại. Sân khấu quay với hai trục đồng tâm chu vi 8 m 3 m, phần sân khấu 3 m có thể nâng lên 70 cm. Có thể nói, Nhà hát Kịch Hà Nội đang rất tự hào khi đang sở hữu một sân khấu hiện đại. Không chỉ dừng lại ở đó, nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập, chúng tôi cũng đã cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu, website chính thức mới cùng các cổng thông tin điện tử. Hy vọng với những công cụ mới này sẽ tạo điểm nhấn và dấu ấn riêng, giúp thương hiệu Kịch Hà Nội sẽ đến gần hơn với khán giả trong nước và quốc tế. Định hướng của Nhà hát Kịch Hà Nội trong tương lai chính là phấn đấu trở thành một Nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm. Đây một trọng trách nặng nề đang nằm trên vai chúng tôi từ ban lãnh đạo cho đến các nghệ sĩ trẻ.
Không chỉ ghi dấu ấn với Nhà hát Kịch Hà Nội, năm 2019 cũng đánh dấu NSND Trung Hiếu đã tìm được hạnh phúc riêng. Anh có thể “bật mí” về nửa còn lại của mình?
- Tôi với vợ cũng quen nhau hơn 4 năm rồi. Tôi nhớ không nhầm thì biết nhau từ hồi 2014. Tuy nhiên, thời mới yêu, cô ấy có đưa một vài hình ảnh lên trang cá nhân nhưng sau đó tôi phải làm công tác tinh thần ngay. Tôi có nói với cô ấy rằng chuyện trai chưa vợ, gái chưa chồng yêu nhau là rất bình thường nhưng vì nghệ sĩ nên dư luận sẽ rất quan tâm, rồi lời ra tiếng vào đâm ra mất hay. Vợ tôi là một người khá xinh xắn, hiền lành và ít nói. Hồi sinh viên, cô ấy từng đoạt giải Nhì gương mặt sinh viên. Thời điểm hiện tại, cô ấy không theo nghệ thuật dù từng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực múa. Cô ấy kém tôi 19 tuổi nhưng cũng chín chắn và “người lớn” lắm. Tuy nhiên, thú thật làm vợ của nghệ sĩ phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Từ đầu năm, Nhà hát dựng 4 vở, bên cạnh đó còn làm 4 chương trình ở bên ngoài cùng một loạt cho các tỉnh thành, do đó tôi cũng ít thời gian chăm sóc vợ. Do quá bận nên vừa mới tổ chức hôn lễ xong là tôi trở lại với công việc ngay. Tôi bận tới mức không có cả đêm tân hôn, tuần trăng mật gì cả! Nếu là trước đây, có lẽ vợ tôi cũng tủi thân đấy. Nhưng bây giờ, cô ấy đã quá quen với cường độ và tính chất công việc của tôi rồi, nên thấy cũng bình thường. Tôi là người ham chơi, nhiều đam mê với nghề, lại có sở thích lang thang. Nhưng khi cưới vợ rồi mình phải chững chạc hơn, đàn ông hơn, bớt những sở thích cá nhân để dành thời gian cho gia đình.
Xin cảm ơn anh!