Trung Hiếu - Phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất nhận danh hiệu NSND đợt này. Nhưng đối với nhiều người điều này không có gì là quá bất ngờ. Anh diễn cực giỏi nhiều vai đình đám trên phim truyền hình, phim truyện nhựa. Còn trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, đó là nơi anh tâm huyết, dồn hết sức mình cho sự nghiệp diễn xuất.
NSND Trung Hiếu.
PV: Tết này, anh đã là Nghệ sĩ Nhân dân, có thấy mới mẻ quá không?
NSND Trung Hiếu: Với Trung Hiếu đây rõ ràng là niềm vui, niềm vinh dự. Hôm được trao tặng danh hiệu, tôi đã thay mặt các nghệ sĩ phát biểu thì cũng bày tỏ là rất vui, rất vinh dự, không chỉ là của cá nhân mà là niềm tự hào của tập thể, của các bạn đồng nghiệp và công chúng yêu quí, mến mộ mình. Nó là niềm vui chung của mọi người.
Đó liệu có phải đã đạt tới đỉnh cao của một đời nghệ sĩ, trong quan niệm của anh?
- Với cá nhân tôi coi danh hiệu NSND là cái gì rất thiêng liêng. Nó vừa là niềm tự hào lại vừa là trách nhiệm của nghệ sĩ nữa. Đạt được danh hiệu là cả một sự nỗ lực phấn đấu mà thực ra để giữ được danh hiệu, xứng đáng với danh hiệu lại là cả một quá trình phấn đấu nữa chứ không phải chỉ thế này là xong. Nhiều người nói là thế này là không còn gì để phấn đấu nữa là không phải. Chính đây mới là bước thử thách để mình giữ được cái danh hiệu cao quý, đáng trân trọng ấy. Mỗi nghệ sĩ khi đạt tới cái danh hiệu ấy thì còn tiếp tục phấn đấu, tiếp tục hoàn thiện mình.
Đợt xét tặng danh hiệu vừa rồi cũng còn những ý kiến vào ra, ý kiến của anh thế nào?
- Chúng ta hay nói là làm cái gì nó phải có lý có tình. Nhưng lý là như nào, tình là như nào? Tự nhiên xem phim rồi bảo ơ cậu này đóng hay quá cho cậu ấy nghệ sĩ nhân dân đi à? Không phải như thế mà phải có quy chế quy định rõ ràng, minh bạch. Việc xét tặng phải xem xét cả một quá trình lao động, phấn đấu, rèn luyện, còn bao thứ khác nữa chứ. Bên cạnh đó đâu phải chỉ có mỗi tài năng còn có phẩm chất đạo đức, phải có ảnh hưởng với nghề nghiệp, còn phải là những con người mà người ta nhìn vào người ta phải thấy có niềm tin nữa chứ.
- Đóng phim truyền hình, phim điện ảnh, diễn kịch, làm quản lý… Anh làm tất cả những công việc ấy với một quan niệm nghề nghiệp thế nào?
- Tôi khắt khe với bản thân, lao động sáng tạo là lao động cực kỳ cực nhọc và gian khổ. Người nghệ sĩ giống con tằm nhả tơ, rút hết sợi kén sợi tơ của mình cho đời thành những tấm lụa đẹp, nghệ sĩ chả còn gì cho mình nữa. Đấy, cuộc đời là thế. Cái giá của nghệ thuật là thế. Nhiều người cứ nói nghề này nó bạc. Thực ra cũng không phải như thế. Tôi thì lại quan niệm là chỉ có nghệ sĩ bạc với nghề chứ không có chuyện nghề bạc với nghệ sĩ. Khi tôi không còn lao động sáng tạo hay tôi không còn hưng phấn hay khi tôi không còn cảm thấy đam mê hay lửa cháy ngùn ngụt trong tôi nữa thì tự mọi người quên lãng tôi thôi. Cái nghề này dừng lao động, dừng sáng tạo thì coi như không còn ai biết đến anh là ai nữa. Khi anh còn lao động, còn sáng tạo thì anh còn toả sáng. Cái đó là quy luật và chấp nhận cái giá trị ấy thôi. Nhiều người cứ nghĩ đấy cống hiến bao nhiêu, lao động bao nhiêu cuối cùng cũng chả được gì. Nghề nó thế. Nghệ sĩ cả thế giới này thế đâu phải chỉ có Việt Nam.
Dự án của anh trong năm 2016 này?
- Đầu năm 2016 tôi có tham gia trong 2 phim hài Tết phục vụ bà con là Trở lại và Đại gia chân đất 6. Mỗi năm Tết đến thì tôi cũng muốn cả năm bà con ai cũng vất vả thì đến Tết có một sản phẩm tinh thần để mọi người thấy lạc quan, tiếng cười sảng khoái sẽ đem lại may mắn cho mọi người. Năm nay tôi chưa nhận lời làm phim gì vì bây giờ tôi muốn dành thời gian cho Nhà hát nhiều hơn những công việc bên ngoài. Bây giờ ít dự án bên ngoài.
Vậy thì có tiếc không khi công việc quản lý sẽ lấy của nghệ sĩ những vai diễn hay?
- Nếu có dự án hay thì tôi vẫn nhận lời. Tất nhiên phải cố gắng. Chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác. Được cái này thì phải mất cái khác. Đó là quy luật cuộc đời. Những tác phẩm hay, những nhân vật lớn thì vẫn phải sắp xếp để làm. Nhưng tất nhiên là không thể làm nhiều như trước được. Càng ngày càng phải lựa chọn để chắt lọc.
Về đời sống cá nhân, anh có gì mới trong năm 2016 không?
- Tôi vẫn tiếp tục lao động và làm việc thôi.
Ý anh là sao? Công chúng muốn biết về đời sống tình cảm của anh, có gì tiến triển không?
- Tôi ít khi tiết lộ đời sống cá nhân. Tại vì chuyện cá nhân thì mỗi người tự chịu trách nhiệm về mình tôi không muốn chuyện riêng của mình lại làm cho mọi người phải quan tâm nhiều đến mình. Đó là chuyện cá nhân thôi. Nên tôn trọng khoảng riêng của mỗi người. Ít nhất tôi phải có một cái góc riêng cho mình chứ.
Tôi thấy anh viết facebook rất hay?
- Hả? Cái đó là giả đấy. Tôi có dùng facebook đâu. Tôi cũng nghe anh em nói là thấy lời văn có vẻ rất giống tôi. Không hiểu tại sao. Có thể họ xem phim nhiều họ nắm được cái tinh thần ấy. Tôi cũng đã nhờ an ninh kiểm tra hộ thì họ nói tôi phải có đơn kiện chính thức về sự giả mạo thì mới có cơ sở để giải quyết. Thấy phức tạp quá nên tôi cũng chưa làm gì.
Nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ của công chúng có vẻ trong nhiều trường hợp không phải lúc nào cũng song hành, đúng không anh?
- Tất nhiên nó song hành được thì tốt nhất. Nhưng cũng có những giới hạn nhất định. Trong nghệ thuật bao giờ cũng thế, khi một xã hội phát triển thì nói chung là nghệ thuật của cả thế giới đều thế. Bao giờ cũng có 2 dòng. Một dòng bề nổi bao giờ cũng hào nhoáng. Bên cạnh đó có mạch ngầm sáng tạo của các nghệ sĩ, có thể họ không nổi tiếng, không được nhiều người biết đến nhưng họ vẫn âm thầm sáng tạo, âm thầm đóng góp cho nền nghệ thuật của nhân loại. Điện ảnh thế giới cũng có lựa chọn của công chúng và một cái lựa chọn của Viện Hàn lâm, hai cái khác nhau. Bao giờ cũng thế, ở đâu cũng thế, một là lựa chọn của khán giả, một là lựa chọn của hội đồng nghệ thuật. Bây giờ để lệch thiên hướng về bên nào cũng khó. Những nhạc công vẫn đang làm nghệ thuật một cách chân chính nhưng âm thầm ít người biết thế thì cũng phải vinh danh họ. Chứ không phải chỉ cứ nổi tiếng mới là nghệ sĩ nhân dân. Nhiều người kiên trì lao động sáng tạo và cống hiến rất nhiều.
Xin cảm ơn anh!