NSƯT Đăng Dương lâu nay được ví như một “chân kiềng” trong bộ “tam ca nhạc đỏ”. Hai người còn lại là NSƯT Việt Hoàn và nghệ sĩ Trọng Tấn. Trên những sân khấu ấy, những ca khúc cách mạng vang lên, sang trọng và tự hào. Sau Việt Hoàn, ngày 26/8 tới, NSƯT Đăng Dương thực hiện liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” để kỷ niệm 30 năm ca hát.
Bền bỉ “giữ lửa”
Con đường âm nhạc của Đăng Dương có thể nói khởi đầu khá sớm, dù gia đình không có ai làm nghệ thuật. Từ nhỏ, sống ở vùng quê của tỉnh Hải Dương, anh đã mê âm nhạc, thường nghe những bài hát trên sóng phát thanh từ chiếc đài radio của bố. Đăng Dương kể rằng, 10 tuổi, anh đã thuộc làu và nghêu ngao nhiều bài người lớn. “Một lần, bạn anh cả của tôi làm trong ngành văn hóa, đến nhà chơi, thấy tôi có năng khiếu nên khuyên bố mẹ cho đi học nhạc. 12 tuổi, tôi vào khoa đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội, học cô Thanh Tâm”, Đăng Dương nhớ lại. “Năm 17 tuổi, bố thấy ngành đàn bầu tôi học khó phát triển, không dễ sống được với nghề, viết thư khuyên tôi trở về nhà, tập trung học văn hóa. Tôi xin bố cho học thêm một thời gian để thi sang thanh nhạc. Nếu trượt, tôi sẽ về ôn thi đại học một trường khác. 18 tuổi, tôi đỗ và được học hát cùng thầy Quang Thọ, sau đó là thầy Trung Kiên”.
Bây giờ nhắc về học trò Đăng Dương, NSND Quang Thọ vẫn nhớ, ngày đó, ông nhớ có cậu bé cứ thập thò ngoài cửa lớp. “Tôi hỏi cô Thanh Tâm thì cô bảo cậu bé đó rất ham học nên nhận Đăng Dương, dạy Đăng Dương trong 4 năm. Sau khi Đăng Dương vượt qua “ải” Trung cấp, tôi cho đi thi trong TPHCM và đạt giải Nhất thính phòng bảng sinh viên năm 1996. Sau đó, Đăng Dương chuyển sang học GS.NSND Trung Kiên và thầy chỉ nhận một học sinh thôi. Đăng Dương nhận được rất nhiều thành tựu, lớn dần lên như thế đến tận bây giờ”.
Để nhận “rất nhiều thành tựu” như NSND Quang Thọ nói, Đăng Dương đã không ngừng nỗ lực, rèn luyện. Anh cũng đi qua những cuộc “thử lửa” đầy khắc nghiệt, và dần dần định hình một giọng hát như ngày nay nhiều người đã biết, đã nhớ.
Năm nay, Đăng Dương quyết định làm show diễn kỷ niệm 30 năm ca hát. Đó cũng là một dấu mốc nên thực hiện. Liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” có thể nói đây là liveshow giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp của Đăng Dương, không chỉ kỷ niệm 30 năm ca hát mà còn khẳng định một hướng đi mà Đăng Dương đang theo đuổi: Lan tỏa tình yêu nhạc cách mạng đến những thế hệ kế cận và làm tươi mới, tạo nên sức sống mới cho dòng nhạc mà anh yêu, đam mê và đắm đuối trong suốt sự nghiệp của mình.
Có lần, NSƯT Đăng Dương bày tỏ lo lắng: “Giới trẻ hôm nay nghe nhạc khác các thế hệ trước, các em nghe nhạc nước ngoài, nghe những bài “hot”, “hit” thị trường. Tôi luôn lo lắng đến một ngày các em sẽ không còn nhớ đến những bài ca đi cùng năm tháng nữa nếu không có những nghệ sĩ làm nhiệm vụ “giữ lửa”. Nghe nhạc cách mạng sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những tháng năm chiến đấu hào hùng cha anh ta kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, giành độc lập cho Tổ quốc; thấy những năm tháng gian nan để dựng xây đất nước phồn vinh như ngày hôm nay, bồi đắp tình yêu quê hương, Tổ quốc tươi đẹp của chúng ta… Tôi luôn mong mỏi “ngọn lửa” tình yêu âm nhạc cách mạng sẽ luôn được gìn giữ và ngày càng được phát huy”.
Bắt tay với những người trẻ
Trở lại với liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” sắp tới, nghệ sĩ Đăng Dương cho biết, những ca khúc trong chương trình đều do chính anh chọn lựa và biên tập. Đây đều là những ca khúc hay, điển hình của dòng nhạc cách mạng.
Lý giải về chủ đề đêm nhạc, Đăng Dương cho biết, tên gọi “Tổ quốc gọi tên mình” của liveshow xuất phát từ kỷ niệm đặc biệt và thiêng liêng của anh khi được đến quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đến giờ, anh vẫn còn nguyên xúc cảm tự hào khi được dự khánh thành lá cờ gốm ở đảo Trường Sa lớn. Dù nhiều năm qua đi nhưng cảm xúc ấy vẫn luôn vẹn nguyên và tươi mới trong trái tim của Đăng Dương, nó khiến anh luôn xúc động khi hát lên “Tổ quốc gọi tên mình”.
“Khi đặt chân lên Trường Sa, cảm xúc thiêng liêng, tự hào vô cùng trào dâng trong lòng tôi. Hơn bao giờ hết, chúng tôi thấm thía rằng mỗi chiến sĩ đã phải trải bao vất vả thậm chí hy sinh máu xương của mình để bảo vệ từng dặm biển đảo. Mình là nghệ sĩ, chỉ biết cống hiến bằng tiếng hát để ngợi ca quê hương, đất nước, biến nó thành vũ khí tinh thần. Từ cảm xúc ấy, tôi quyết định lấy tên liveshow là “Tổ quốc gọi tên mình” cũng như một lời tri ân đến các thế hệ cha anh, những người chiến sĩ đã và đang dành cuộc đời mình để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc”, nghệ sĩ Đăng Dương tâm sự, đồng thời mong muốn những gì anh đang làm sẽ như lời hiệu triệu đến thế hệ trẻ, hãy luôn lắng nghe lời Tổ quốc gọi để sống và làm việc, cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Góp mặt trong liveshow quan trọng của Đăng Dương tiếc là không có sự xuất hiện của Việt Hoàn và Trọng Tấn - những giọng hát đã đồng hành với anh trong nhiều chục năm qua, làm nên tam ca nhạc đỏ thú vị của âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, bù lại, Đăng Dương mời các nghệ sĩ trẻ như: Ca sĩ Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, nhóm nhạc Oplus, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, giám đốc âm nhạc Dương Cầm.
Chia sẻ về sự kết hợp với những giọng ca trẻ, Đăng Dương cho biết, anh chủ động thay đổi một chút về màu sắc âm nhạc, cách hát để dung hòa với các bạn trẻ, vượt qua khoảng cách, thế hệ và phù hợp với mục đích đem đến một liveshow nhạc cách mạng nhưng hết sức tươi mới, tràn ngập tinh thần tiếp nối thế hệ. “Lựa chọn những bạn đồng hành trẻ là cách để tôi truyền lửa đến thế hệ kế cận, những ca khúc cách mạng tiếp tục được gìn giữ, lan tỏa”, NSƯT Đăng Dương nói.
Thừa nhận việc kết hợp với những giọng hát trẻ cũng là một thách thức làm sao để có sự kết hợp ăn ý, đem lại hơi thở mới mẻ, khác lạ từ phối nhạc đến cách hát để đến tới gần khán giả trẻ, Đăng Dương tin tưởng sẽ làm tốt vai trò của mình bởi tình yêu bất tận với âm nhạc cách mạng sẽ đưa các nghệ sĩ đến cùng một điểm chạm tuyệt vời nhất. Đây cũng là lý do vì sao NSƯT Đăng Dương chọn Giám đốc âm nhạc là nhạc sĩ Dương Cầm, một người trẻ nhưng rất tâm huyết, nhiều sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Dương Cầm cũng rất hào hứng với liveshow này bởi anh được tin tưởng, cho thỏa sức sáng tạo, cùng đem đến một liveshow thật khó quên đối với khán giả, gói ghém được 30 năm sự nghiệp của Đăng Dương thông qua nghệ thuật.
Đơn vị sản xuất cho biết, sân khấu “Tổ quốc gọi tên mình” được thiết kế sang trọng, tối giản, sử dụng nghệ thuật ánh sáng, sân khấu tiết chế và sang trọng để âm nhạc lên tiếng. “Tôi nghĩ, liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” của NSƯT Đăng Dương hơn cả câu chuyện của một đêm nhạc cá nhân nghệ sĩ thông thường mà còn là sự “truyền lửa” đến mọi tầng lớp khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, tiếp nối truyền thống cha anh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc đẹp giàu, vững mạnh. Đây cũng là lý do vì sao tôi luôn đắm đuối với những chương trình nghệ thuật nhạc cách mạng, nhạc truyền thống dù gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại” - bà Đoàn Thúy Phương, đại diện đơn vị sản xuất chương trình chia sẻ.
Trong dòng chảy sôi động của âm nhạc du nhập, khán giả vẫn dành một vị trí ưu tiên trong lòng mình cho âm nhạc truyền thống hay âm nhạc dân tộc.
“Tôi muốn khán giả ngồi dưới hát theo mình, từ đó khơi gợi thêm tình yêu với âm nhạc cách mạng và khiến họ ngày càng yêu đất nước, con người Việt Nam”, NSƯT Đăng Dương bày tỏ mong muốn lớn nhất của anh khi tổ chức liveshow “Tổ quốc gọi tên mình”.
NSƯT Đăng Dương sinh năm 1974, theo học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ khi 13 tuổi. Anh đạt giải Nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1995. Năm 1998, anh cùng Trọng Tấn, Việt Hoàn ra mắt khán giả với bài “Đường chúng ta đi” (nhạc sĩ Huy Du) tại Liên hoan Tiếng hát sinh viên 1998, nhanh chóng tạo ấn tượng trong lòng người yêu nhạc. Trong khi nhiều đồng nghiệp hát thêm nhiều phong cách khác như: Dân ca, nhạc nhẹ, nhạc xưa, Đăng Dương vẫn trung thành với nhạc cổ điển, cách mạng.
Năm 2018, Đăng Dương giành giải thưởng âm nhạc Cống hiến với hạng mục "Chương trình của năm" cho với live concert "Mặt trời của tôi". Tháng 12/2021, anh là nhân vật chính trong chương trình "Con đường âm nhạc", truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.