Tinh hoa Việt

NSƯT Phùng Đệ - ký ức trở về tiếp quản Thủ đô năm ấy

NGUYỄN TRỌNG VĂN 18/10/2024 16:48

Gặp đạo diễn, nhà quay phim, NSƯT Phùng Đệ tại nhà riêng của ông ở ngõ 45 Phan Đình Phùng, tôi đã hỏi luôn: “Chắc những ngày này chú bận lắm?” (Tôi quen gọi ông là chú và xưng cháu như hồi mấy chục năm về trước được biết ông). Nghe tôi hỏi vậy, cụ ông 91 tuổi gật đầu: “Từ ngày anh Hàm mất (Đại tá Nguyễn Trọng Hàm) mình thay anh ấy làm Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ quyết tử Hà Nội”. Nói xong thì NSƯT Phùng Đệ cười: “Mình trẻ nhất mà”.

5.jpg
NSƯT Phùng Đệ.

Sinh năm 1933, quê ở làng Trích Sài, một làng có nghề dệt lụa, dệt lanh, bên hồ Tây, cậu bé Phùng Văn Đệ sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cậu được người cô ruột là bà Phùng Thị Xuyến đón về nhà mình ở bãi Phúc Tân nuôi. Người cô sớm lo cho cháu nên cho cậu Đệ theo học nghề đóng giầy. NSƯT Phùng Đệ lặng im vài giây rồi nói: “Theo học nghề đóng giầy không ngờ lại là một cơ hội”.

Thì ra, anh thợ cả của cơ sở đóng giầy lại là một cán bộ Việt Minh bí mật ở Hà Nội. Những khi rảnh (có khi là anh thợ cả có chủ ý?) anh thợ cả tên là Nguyễn Văn Điệp (sau này là giám đốc xưởng giầy quân đội) thường dẫn cậu Đệ đến những nơi như Nhà hát lớn Hà Nội hay vườn hoa Ba Đình để cậu được “hòa” vào không khí sục sôi cách mạng của quần chúng Hà Nội. Có lẽ từ những lần được theo chân anh thợ cả ấy mà cậu bé Đệ dần có cảm tình với cách mạng. NSƯT Phùng Đệ cho hay: “Sau khi quân Pháp trong thành Hà Nội bắn mooc chê vào phố Hàng Bún sáng ngày 17 tháng 12 năm 1946, gây ra vụ thảm sát chấn động, tớ được anh thợ cả đưa tới đó. Anh thợ cả đã giảng giải cho hay về tội ác và âm mưu của quân Pháp. Anh còn bảo rằng: Sắp có đánh nhau giữa ta và Pháp”.

Thế rồi tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, pháo ta từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo và Xuân Canh bắn vào quân Pháp đóng trong thành. Báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Thay vì chạy theo dòng người Hà Nội tản cư thì cậu bé Đệ trốn người cô ruột “chạy một mạch” đến ngõ Gia Ngư. Đến đấy, cậu bé Đệ thấy các anh Vệ quốc đoàn đang đào đường và dựng chướng ngại vật trên phố. Cậu tự nguyện tham gia cùng các anh. Một anh vệ quốc đến gần và hỏi: “Em ở đâu?”. Cậu bé Đệ trả lời: “Em bị lạc gia đình. Các anh cho em ở đây với các anh”.

Tôi nói vui: “Đơn xin nhập ngũ của chú hồi ấy đơn giản thật”. Thế rồi cậu bé Đệ trở thành liên lạc của đại đội 15, tiểu đoàn 103 khu Đông kinh nghĩa thục. Sau 60 ngày đêm cùng các anh Vệ quốc đoàn đánh kìm hãm quân Pháp, tối ngày 17 tháng 2 năm 1947, chiến sĩ liên lạc Phùng Văn Đệ, theo trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội để lên chiến khu xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài với địch.

2.jpg
NSƯT Phùng Đệ nhân Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2023.

NSƯT Phùng Đệ cho biết: “Trước lúc rời Hà Nội, các chiến sĩ đã lấy phấn, than củi, viết lên tường dòng chữ: “Hà Nội ơi. Hẹn ngày trở lại”. Bọn “lính thiếu nhi” chúng tớ còn viết thêm: “Bọn Pháp kia. Chúng tao sẽ quay lại”. Tôi vui nói: “Thì trẻ con trong hoàn cảnh nào cũng nghịch ngợm. Nhưng mà câu chữ ấy cũng hay đấy ạ. Chú ơi. Chắc danh từ “Vệ út” có từ hồi đó?”. NSƯT Phùng Đệ lắc đầu: “Gọi bọn chúng tớ là Vệ út thì phải tới năm 1948 kia. Chả là hồi đó đội văn nghệ trung đoàn Thủ đô của bọn tớ chủ yếu là các thiếu nhi đi theo bộ đội và rút theo bộ đội, có ra tờ báo tường. Tờ báo ấy có tên là “Vệ út”. Cái tên Vệ út ra đời từ đó”.

Theo đoàn quân rút lên chiến khu xây dựng lực lượng, cậu bé Đệ lớn dần theo năm tháng. Đội văn nghệ trung đoàn Thủ đô đã tham gia hầu hết các chiến dịch, từ Thu đông 1947 ở Việt Bắc tới chiến dịch biên giới năm 1950. Từ chiến dịch Hà Nam Ninh năm 1952 tới chiến dịch Tây Bắc năm 1953. Và cuối cùng là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. NSƯT Phùng Đệ bảo: “Mỗi một chiến dịch thắng lợi là chúng tớ nghĩ ngày về lại Hà Nội sắp đến gần”.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, đội văn nghệ trung đoàn Thủ đô và sau là Đội văn công Đại đoàn 308, được tổ chức lại thành Đoàn văn công Tổng cục chính trị 2. Đoàn về các tỉnh đã được giải phóng để biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. NSƯT Phùng Đệ cho biết: “Hôm đại hội văn công toàn quân họp sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến dự, Đại tướng nói: Các đồng chí chuẩn bị nội dung để chuẩn bị về tiếp quản Hà Nội”. Nghe Đại tướng chỉ thị như vậy chúng tớ vui lắm. Biết là ngày về lại Hà Nội sắp tới gần”.

NSƯT Phùng Đệ còn cho hay thêm: “Khi được thông báo sẽ về tiếp quản Hà Nội tớ mừng lắm vì biết là sẽ được về thăm nhà. Nên suốt chặng đường hành quân về xuôi tớ cứ thấy háo hức nhưng mà cũng thấy băn khoăn”.

Tiếp quản Thủ đô xong, đoàn văn công 2 của Tổng cục Chính trị được đóng quân ở phố Lý Nam Đế rồi chuyển về đóng quân ở sân bay Bạch Mai. Tôi nói vui: “Chắc hồi về tiếp quản chú được nhiều tiểu thư Hà thành để ý lắm. Này nhé, chiến sĩ Hà Nội từ chinh chiến trở về này. Trai làng lụa Trích Sài này. Lại là văn công nữa. Cháu đoán có nhiều cô còn muốn xin chú mấy tấm lanh Trích Sài để về may áo cưới nữa đấy”. NSƯT Phùng Đệ cười.

Phải 10 ngày sau khi về tiếp quản Hà Nội thì anh văn công Phùng Đệ mới được cấp trên cho về thăm nhà. Hồi rời mái nhà tranh của cha mẹ để lại cậu Đệ mới 11, 12 tuổi. Nay trở về thăm nhà xưa đã thành một chàng trai 21 tuổi. NSƯT Phùng Đệ cho hay: “Bố mẹ thì đã mất. Hai người anh trên tớ không biết tin tức. Tớ không dám về thăm nhà một mình mà phải rủ thêm 2 người bạn cùng đoàn đi cùng”.

Trở về nhà cũ, thấy ngôi nhà đã bị quân Pháp đốt cháy. Hỏi thăm hàng xóm thì được biết người anh cả đã mất. Người anh thứ hai thì bạt xứ làm ăn đâu đó. “Kể cũng buồn cậu ạ”. Tôi hỏi lảng: “Thế chú có gặp lại người cô ruột không?”. NSƯT Phùng Đệ bảo: “Cũng phải thêm nhiều ngày nữa tớ mới tìm được người cô. Hôm gặp thấy bà cô đang ngồi bán nước chè ở phố Nguyễn Thái Học. Thấy cô an toàn và khỏe là mừng lắm. Bà cô thấy tớ đã chững chạc nên cũng mừng. Hai cô cháu sau đó thỉnh thoảng có tới thăm nhau”.

Tôi hỏi thêm với ý nghĩ muốn xua đi những chuyện chưa vui: “Hồi cùng trung đoàn Thủ đô rút lên chiến khu ấy. Trung đoàn mình có nhiều “vệ út” không ạ?”. NS ƯT Phùng Đệ cho hay: “Lên tới chiến khu tớ được biết toàn trung đoàn khi đó có 1200 người. Trong đó có 75 chiến sĩ là thiếu nhi như tớ. Thời gian ngắn sau trung đoàn sắp xếp lại. Những ai trên 15 tuổi thì về đơn vị thực sự là bộ đội. Còn những ai dưới 15 tuổi thì vào đội tuyên văn. Ở đó chúng tớ được học văn hóa, học múa học hát và học đóng kịch. Tớ ở đơn vị văn công tới năm 1958 thì chuyển sang đơn vị khác”.

Năm 1958, anh lính văn công Phùng Đệ được đi học quay phim rồi được tham gia đoàn làm phim quân đội thực hiện bộ phim tài liệu “Dưới cờ quyết thắng”. Cũng từ năm 1958 này, chiến sĩ Phùng Đệ là phóng viên quay phim của Xưởng phim Quân đội. Cuộc đời người phóng viên chiến trường đã đưa ông đi khắp các chiến trường. Từ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ tới chiến trường miền Nam ác liệt. Từ chiến trường B (Lào) cho tới chiến trường K (Campuchia) rồi chiến trường Tây Nam và giải phóng Campuchia. Ông đã quay phim và làm đạo diễn rất nhiều phim tài liệu có giá trị lịch sử. Năm 1989, ông về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.

NSƯT Phùng Đệ đã nhận được các giải thưởng điện ảnh như:

Giải Bông sen vàng:

- Phim “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, LH phim 1964, quay phim

- Phim “Võ tay không”, LH phim 1970, đạo diễn kiêm quay phim

- Phim “Những cô gái C3 quân giải phóng”, LH phim 1973, đạo diễn

- Phim “Chiến thắng lịch sử xuân 75, LH phim 1977, đồng đạo diễn

Giải Bồ câu vàng:

- Phim “Chiến thắng Đường 9 Nam Lào”, LH phim Lepzich 1972, quay phim

Ngoài ra ông còn nhận được Giải Bông sen bạc cho 2 phim tài liệu.

Ông được phong Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1994.

Năm 2022 NSƯT Phùng Đệ được nhận “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”, cho phim “Những cô gái C3 quân giải phóng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NSƯT Phùng Đệ - ký ức trở về tiếp quản Thủ đô năm ấy