Ngày 8/9 (giờ địa phương) Nữ hoàng Anh Elizabeth II, vị quân vương tại vị lâu nhất của Vương quốc Anh, đã qua đời tại lâu đài Balmoral ở tuổi 96. Sau hơn 70 năm trị vì, Nữ hoàng đã trở thành biểu tượng của Hoàng gia Anh và hoàn thành lời thề bà đã từng tuyên bố khi 21 tuổi rằng, sẽ dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ người dân.
Thế giới bày tỏ lòng tiếc thương
Cung điện Buckingham thông báo, Nữ hoàng đã ra đi thanh thản vào chiều 8/9, tại Lâu đài Balmoral, Scotland. Thái tử Charles đã kế vị ngai vàng, trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh sau khi Nữ hoàng qua đời. Vua Charles III thừa nhận, sự ra đi của người mẹ thân yêu là "khoảnh khắc vô cùng đau buồn" đối với ông và gia đình.
Nhà vua chia sẻ: "Chúng tôi vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của một vị quân vương đáng kính và một người mẹ rất mực kính yêu. Sự mất mát này sẽ được cảm nhận sâu sắc trên khắp đất nước, các vương quốc và Khối thịnh vượng chung, cũng như rất nhiều người trên khắp thế giới".
Thủ tướng Liz Truss, người vừa được Nữ hoàng bổ nhiệm ngày 6/9, cho biết, Nữ hoàng là nền tảng xây dựng nên nước Anh hiện đại, là người đã tạo nên sự ổn định và sức mạnh cần thiết cho Vương quốc Anh.
Cung điện Buckingham treo cờ rủ vào lúc 18h30 (giờ địa phương), thông báo chính thức về sự ra đi của Nữ hoàng được dán bên ngoài cung điện. Cùng ngày, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã gửi lời chia buồn và bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc đối với Nữ hoàng.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ: "Nữ hoàng Elizabeth II được nhiều người mến mộ vì phẩm giá và sự cống hiến của bà trên khắp thế giới. Nữ hoàng Elizabeth II là người bạn tốt của Liên hợp quốc. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ hoàng vì sự cống hiến bền bỉ, suốt đời của bà trong sự nghiệp phụng sự nhân dân. Thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà".
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, "trong một thế giới liên tục thay đổi, Nữ hoàng Elizabeth II là sự hiện diện vững chắc và nguồn an ủi cũng như niềm tự hào của nhiều thế hệ người Anh. Di sản của bà in đậm trong những trang sử của nước Anh và trong câu chuyện về thế giới chúng ta".
Trong một thông điệp gửi tới Vua Charles III, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ: “Nữ hoàng là người có được tình yêu và sự tôn trọng của thần dân, cũng như uy quyền trên trường quốc tế. Tôi cầu chúc các bạn can đảm và kiên cường đối mặt với mất mát khó khăn không thể bù đắp này. Tôi xin chuyển lời chia buồn chân thành và sự ủng hộ tới các thành viên Hoàng gia và toàn thể người dân Vương quốc Anh".
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá: "Nữ hoàng Elizabeth II đã luôn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của những giá trị lâu dài trong thế giới hiện đại bằng sự phục vụ và cam kết của mình".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Nữ hoàng Elizabeth II đại diện cho tính liên tục và thống nhất của nước Anh trong hơn 70 năm qua. Bà là một người bạn của nước Pháp, một Nữ hoàng nhân hậu, người đã để lại dấu ấn lâu dài cho đất nước và thế kỷ của bà".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được nhớ đến "như một nhà lãnh đạo kiên trung trong thời đại của chúng ta. Xin chia buồn với gia đình Hoàng gia và người dân Vương quốc Anh".
Theo Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier: "Nữ hoàng Elizabeth II là người phụ nữ định hình thế kỷ. Bà đã chứng kiến và viết nên lịch sử đương đại".
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ: "Nữ hoàng Elizabeth II đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Sự ra đi của Nữ hoàng là một mất mát to lớn không chỉ đối với người dân Anh mà còn đối với cộng đồng quốc tế".
70 năm trị vì
Lên ngôi năm 1952, Nữ hoàng chứng kiến những thay đổi xã hội to lớn trong suốt triều đại của mình, trải qua thời kỳ hậu chiến, quá trình chuyển đổi từ đế chế sang Khối thịnh vượng chung, kết thúc Chiến tranh Lạnh, Vương quốc Anh gia nhập Liên minh châu Âu rồi rời đi sau đó.
Triều đại của bà trải qua 15 đời thủ tướng. Nữ hoàng Elizabeth II trở thành vị quân vương trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh vào năm 2015 khi vượt qua kỷ lục của Nữ hoàng Victoria.
Nữ hoàng Elizabeth II có tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary Windsor sinh ngày 21/4/1926, tại Mayfair, London. Bà là con đầu lòng của Công tước xứ York, Albert-con trai thứ hai của Vua George V, và nữ công tước Elizabeth Bowes-Lyon. Ít ai có thể biết trước rằng bà sẽ trở thành quốc vương, nhưng vào tháng 12/1936, vua Edward VIII, thoái vị và cha của Elizabeth trở thành Vua George VI. Ở tuổi lên 10, Lilibet, tên gọi thân mật của Elizabeth trong gia đình, trở thành người thừa kế ngai vàng.
Nữ hoàng Elizabeth và em gái, Margaret Rose, sinh năm 1930, đều được nuôi dạy tại nhà và lớn lên trong bầu không khí gia đình đầy yêu thương. Elizabeth cực kỳ thân thiết với cha và ông nội George V. Nữ hoàng được cho là đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm đáng nể ngay từ khi còn nhỏ. Mặc dù không đi học ở trường, bà đã thông thạo ngôn ngữ và nghiên cứu chi tiết về lịch sử hiến pháp khi còn rất nhỏ tuổi.
Năm 1939, Công chúa Elizabeth 13 tuổi đã tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu đến Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia tại Dartmouth. Tại đây, Công chúa lần đầu gặp người bạn đời, Hoàng tử Philip của Hy Lạp và Đan Mạch. Ngày 20/11/1974 hai người đã làm lễ cưới tại Tu viện Westminster. Họ đón con trai đầu lòng Charles, vào năm 1948, sau đó là con gái Anne năm 1950. Năm 1952, Nhà Vua qua đời khi Công chúa Elizabeth đang có chuyến công du nước ngoài cùng Hoàng tử Philip. Tháng 6/1952, Elizabeth, khi đó 26 tuổi, lên ngôi Nữ hoàng và lễ đăng quang của bà lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Anh.
Sự nổi tiếng của cá nhân Nữ hoàng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ của Vương quốc Anh trong những năm gần đây. Bà thường tránh những can thiệp chính trị và được thần dân biết đến chủ yếu qua những sự kiện trước công chúng và các thông điệp Giáng sinh được phát trên truyền hình, trong đó thường nhấn mạnh tới giá trị của bổn phận và đối thoại.
Nhà vua Charles III sẽ đóng vai trò chính trong quốc tang của Nữ hoàng và ông sẽ tới thăm 4 vùng của Vương quốc Anh trước khi lễ tang của Nữ hoàng diễn ra. Ông trở thành quân vương ở tuổi 73, độ tuổi cao nhất tiếp quản ngai vàng trong lịch sử nước Anh.