Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo đã chính thức tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Pháp năm 2022.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết bà Hidalgo đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo thủ đô Paris vào năm 2014. Vào năm 2020, bà Anne Hidalgo (62 tuổi) đã giành chiến thắng nhiệm kỳ Thị trưởng thứ hai.
Trên cương vị Thị trưởng, bà Hidalgo đã phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt đối với thủ đô Paris như một loạt các cuộc tấn công khủng bố vào năm 2015, phong trào biểu tình Áo vàng chống Chính phủ, vụ cháy Nhà thờ Đức Bà năm 2019, đại dịch Covid-19... Tuy nhiên, bà Hidalgo đã vượt qua “một cách ngoạn mục”.
Đặc biệt, bà còn ghi dấu ấn với việc Paris đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 21) và trở thành chủ nhà Thế vận hội Olympic 2024. Bà Hidalgo cũng đã đến Nhật Bản nhận cờ Olympic và Paralympic tại lễ bế mạc Tokyo 2020.
Được biết, vòng đầu cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo của Pháp dự kiến tổ chức vào ngày 10/4/2022, trong khi đó Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron chưa chính thức tuyên bố tái tranh cử.
Vào tháng 2/2014, lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của Paris, bà Anne Hidalgođã trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên của thành phố này.
Sinh năm 1959 ở phía Tây Nam của Tây Ban Nha, bà Hidalgo chuyển tới sống ở thành phố Lyon ở miền Trung nước Pháp từ năm 2 tuổi và sau đó trở thành công dân Pháp vào năm 14 tuổi. Từ một kỹ sư rồi đến Thanh tra lao động, bà Hidalgo chuyển sang lĩnh vực chính trị. Đến năm 38 tuổi, bà trở thành Cố vấn cao cấp cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Việc làm và Dạy nghề, Martine Aubry; tiếp đó là Cố vấn kỹ thuật cho Bí thư Nhà nước về quyền của phụ nữ và đào tạo nghề, Nicole Pery. Năm 2000, bà đảm nhiệm trọng trách Thư ký chính chịu trách nhiệm về quan hệ xã hội và thực trạng quan chức cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Marylise Lebranchu.
Trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3/2001, bà Hidalgo đã trúng cử vào Hội đồng thành phố Paris và sau đó trở thành Phó Thị trưởng thứ nhất tính theo tỷ lệ phiếu bầu, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giữ cương vị đầy quyền uy này. Sau 13 năm trợ giúp Thị trưởng, cuối cùng bà cũng đã trở thành người phụ nữ quyền lực nhất Paris vào tháng 4/2014.
Ngay sau khi biết tin thắng cử, bà Hidalgo nói: “Vinh dự là nữ Thị trưởng đầu tiên của Paris, tôi biết rõ trách nhiệm nặng nề này. Tôi sẽ làm hết sức mình để xây dựng Paris thành một thành phố điển hình, nơi mà sự sáng tạo và đổi mới sẽ mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Lần này, bà Hidalgo chính thức bước vào đường đua tới Điện Elysee. Các đối thủ chưa lộ diện và vì thế cũng chưa thể đưa ra bất cứ đoán định nào. Tuy thế thì không ít người vẫn bày tỏ hy vọng một sự đổi khác nếu nước Pháp được dẫn dắt bởi một người phụ nữ.
Quy trình bầu cử Tổng thống Pháp là khá phức tạp. Danh sách chính thức các ứng viên chỉ được công bố chính thức 7 tuần trước khi người dân đi bỏ phiếu. Các ứng viên tiềm năng phải thu thập đủ 500 chữ ký ủng hộ của các đại biểu ở các cấp khác nhau. Chỉ khi có được sự công nhận từ 500 đại biểu, thị trưởng, các thành viên của hội đồng khu vực và các chính trị gia dân cử khác, thì họ mới có thể được đăng ký tư cách ứng cử viên Tổng thống chính thức. Sau đó, tư cách ứng viên chính thức phải được Tòa Hiến pháp phê chuẩn.
Cho đến 4 tuần trước ngày bầu cử mới chính thức diễn ra chiến dịch tranh cử. Mức trần chi tiêu cho chiến dịch này được một uỷ ban quy định và kiểm tra. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử chính thức, thời lượng phát biểu và phát sóng trên các phương tiện nghe nhìn cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc bình đẳng giữa các ứng viên.
Tiếp đó, vòng bầu cử thứ nhất: Công dân Pháp tiến hành bỏ phiếu, nếu không có ứng viên nào đạt được trên 50% phiếu bầu, vòng bầu cử thứ hai sẽ lại được tổ chức.
Ở vòng bầu cử thứ hai: Chỉ hai ứng viên đạt nhiều phiếu bầu nhất trong vòng một mới được lọt vào vòng hai. Ứng viên nào đạt được đa số tuyệt đối phiếu bầu sẽ đắc cử. Các phiếu trắng hoặc không hợp lệ sẽ không được tính.
Tổng thống đắc cử sẽ được Hội đồng Hiến pháp tuyên bố kết quả trong vòng tối đa 10 ngày. Nhiệm kỳ tổng thống là 5 năm và tổng thống chỉ được đảm nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Với nước Pháp, Thủ tướng Pháp đứng đầu Chính phủ, nhưng Tổng thống có quyền hạn quan trọng trong việc bảo vệ quốc gia và quan hệ ngoại giao. Tổng thống lựa chọn Thủ tướng từ đảng đa số trong Quốc hội. Cũng chính vì vậy mà đôi khi Tổng thống bị buộc phải chọn một Thủ tướng không phải thuộc đảng của mình.