Trung tâm Giám sát và Phòng chống Thảm họa Núi lửa và Địa chất của Indonesia đã cấm mọi hoạt động bay trong bán kính 6km từ miệng núi lửa Dukono tại tỉnh Maluku, miền Đông nước này.
Sáng 7/12, núi lửa Dukono tại tỉnh Maluku, miền Đông Indonesia đã phun trào, tạo nên một cột tro khổng lồ cao tới 4.800 mét.
Dukono là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia. Vụ phun trào bắt đầu vào lúc 6h15 sáng (giờ địa phương), khi núi lửa Dukono phun ra một đám mây tro dày đặc, màu xám đen và đẩy cột tro lên cao, hướng về phía Tây Bắc của miệng núi.
Theo các cơ quan chức năng, đám mây tro này đã tỏa rộng và gây ảnh hưởng đến không phận xung quanh. Trung tâm Giám sát và Phòng chống Thảm họa Núi lửa và Địa chất (PVMBG) của Indonesia đã phát đi cảnh báo hàng không cấp cao nhất, ngừng mọi hoạt động bay trong bán kính 6km từ miệng núi lửa.
Cùng với đó, khu vực có bán kính 3 km xung quanh chân núi Dukono cũng được xác định là vùng nguy hiểm, do các đợt phun trào có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo trước.
Chính quyền cũng khuyến cáo cư dân sống gần khu vực núi lửa đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe và đề phòng các đợt phun trào đột ngột.
Núi Dukono cao 1.335 mét, là một trong 127 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia - quốc gia nổi tiếng với "Vành đai Lửa", khu vực có tần suất núi lửa phun trào và động đất cao nhất trên thế giới.
Cũng trong sáng 7/2, một trận động đất độ lớn 5,8 đã xảy ra ngoài khơi tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia.
Theo thông báo từ Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), trận động đất xảy ra vào lúc 00h14 (giờ địa phương), với tâm chấn nằm cách huyện Buol 73 km về phía Tây Bắc, ở độ sâu 21km dưới đáy biển.
Tuy dư chấn có thể cảm nhận được ở nhiều khu vực, nhưng BMKG cho biết không có dấu hiệu cho thấy trận động đất sẽ gây ra những cơn sóng lớn hay nguy hiểm về mặt thủy triều.
Hiện tại, chưa có báo cáo nào về thiệt hại hay thương vong do trận động đất gây ra./.