Hiện nay, đối với nhiều người Anh, đại dịch có thể đã kết thúc. Quy định về khẩu trang bị loại bỏ, xét nghiệm miễn phí hàng loạt đã là quá khứ. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ mùa xuân năm 2020, mọi người có thể đi nghỉ ở nước ngoài mà không cần quan tâm đến các yêu cầu xét nghiệm
1. Cảm giác tự do đó còn lan rộng ngay cả khi các ca mắc Covid-19 mới tăng vọt ở Anh vào tháng 3/2022, do biến thể Omicron BA.2 dễ lây lan hơn đang nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác. Tình hình ở Vương quốc Anh có thể cho thấy những điều sắp xảy ra đối với các quốc gia khác khi họ giảm bớt các hạn chế phòng dịch Covid-19.
Pháp và Đức đã chứng kiến sự gia tăng tương tự các ca nhiễm mới trong những tuần gần đây, thậm chí số ca nhập viện ở Anh và Pháp một lần nữa lại tăng lên, nhưng số người chết mỗi ngày vẫn thấp hơn nhiều so với mức đã thấy trước đó trong suốt đại dịch.Tại Mỹ, ngày càng có nhiều người tự xét nghiệm tại nhà, vì vậy số trường hợp chính thức được ghi nhận có thể là một con số thấp hơn nhiều.
Anh nổi bật ở châu Âu vì đã dỡ bỏ tất cả các chính sách phòng dịch vào tháng 2, bao gồm cả việc tự cách ly bắt buộc đối với những người bị nhiễm bệnh. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson quyết tâm bám sát kế hoạch “sống chung với Covid”, nhưng các chuyên gia vẫn băn khoăn về việc liệu đất nước có đang đối phó tốt hay không.
Một số nhà khoa học cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để chấp nhận rằng “sống chung với Covid” có nghĩa là chịu đựng sự gián đoạn và tử vong ở một mức độ nhất định, giống như cách chúng ta đối phó với bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, có nhiều người tin rằng, chính phủ Anh đã dỡ bỏ các hạn chế quá nhanh và quá sớm.
Họ cảnh báo rằng, số ca tử vong và số người nhập viện có thể tiếp tục tăng vì ngày càng có nhiều người trên 55 tuổi, những người có nhiều khả năng bị bệnh nặng do Covid-19, đang bị nhiễm bệnh mặc dù đã tiêm phòng ở mức độ cao.
Ông Stephen Powis, Giám đốc y tế của National Health Service, cho biết, các bệnh viện lại phải đối mặt với tình trạng căng thẳng, cả từ bệnh nhân nhiễm virus và số lượng lớn nhân viên bị ốm.
Đồng quan điểm, ông Stephen Griffin, Giáo sư Y khoa tại Đại học Leeds, cho biết: “Cố tình không nhìn thấy mức độ nguy hại không đồng nghĩa với việc sống chung an toàn với virus, nó hoàn toàn ngược lại. Nếu không được tiêm phòng đầy đủ, thông gió, đeo khẩu trang, cách ly và xét nghiệm, chúng ta sẽ tiếp tục sống chung với tình trạng gián đoạn, bệnh tật và kết quả là tử vong”.
Trong khi đó, những người như Giáo sư Y khoa tại Đại học East Anglia, ông Paul Hunter lại ủng hộ nhiều hơn các chính sách của chính phủ.
“Chúng tôi vẫn chưa đạt đến mức giảm thiểu nhiều nhất tác hại của Covid-19, nhưng chúng tôi đã vượt qua điều tồi tệ nhất. Một khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao thì việc duy trì các biện pháp hạn chế như giãn cách xã hội có rất ít giá trị, bởi vì “cuối cùng chúng không bao giờ ngăn ngừa được nhiễm trùng mà chỉ trì hoãn sự lây lan của virus”, ông Hunter lập luận.
2. Theo ước tính của Cơ quan thống kê chính thức của Anh, gần 5 triệu cư dân Vương quốc Anh, hoặc tỷ lệ 1/13 người, đã nhiễm virus vào cuối tháng 3, con số nhiều nhất mà cơ quan này đã báo cáo. Tỷ lệ lây nhiễm cao đến mức các hãng hàng không đã phải hủy các chuyến bay trong hai tuần nghỉ lễ Phục sinh vì quá nhiều nhân viên bị ốm.
Pháp và Đức cũng đã chứng kiến sự gia tăng tương tự khi các hạn chế được nới lỏng ở hầu hết các nước châu Âu. Hơn 100.000 người ở Pháp đã có kết quả xét nghiệm dương tính mỗi ngày mặc dù kết quả xét nghiệm đã giảm mạnh và số bệnh nhân nhiễm virus trong phòng chăm sóc đặc biệt đã tăng 22% trong tuần qua.
Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron muốn khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tháng 4 và không có bất kỳ hạn chế mới nào.
Ở Đức, mức độ lây nhiễm đã giảm xuống so với mức đỉnh gần đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Karl Lauterbach đã không ủng hộ quyết định chấm dứt chính sách tự cách ly bắt buộc đối với những người nhiễm bệnh chỉ hai ngày sau khi nó được công bố. Ông nói rằng, kế hoạch sẽ gửi một tín hiệu “hoàn toàn sai” rằng “đại dịch đã qua đi hoặc virus đã trở nên vô hại hơn so với những gì đã được giả định trong quá khứ”.
Trên khắp châu Âu, chỉ có Tây Ban Nha và Thụy Sĩ tham gia cùng Vương quốc Anh trong việc dỡ bỏ các yêu cầu về tự cách ly đối với ít nhất một số người bị nhiễm bệnh. Nhưng nhiều quốc gia châu Âu đã nới lỏng việc xét nghiệm hàng loạt, điều này sẽ khiến việc nắm bắt mức độ phổ biến của virus trở nên khó khăn hơn nhiều. Anh đã ngừng phân phát các xét nghiệm nhanh miễn phí tại nhà trong tháng này.
Bà Julian Tang, một nhà virus cúm học tại Đại học Leicester, cho biết, mặc dù điều quan trọng là phải có một chương trình giám sát để theo dõi các biến thể mới và cập nhật vaccine, nhưng trước đó, các quốc gia đã đối phó với bệnh cúm mà không có các hạn chế bắt buộc hoặc xét nghiệm hàng loạt.
Bà Tang nói: “Cuối cùng, Covid-19 sẽ lắng xuống để trở thành bệnh đặc hữu theo mùa giống như bệnh cúm. Đối với tôi, sống chung với Covid cũng giống như sống chung với bệnh cúm”.
Nhà virus học tại Đại học Cambridge, Ravindra Gupta thì thận trọng hơn. Ông cảnh báo, tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn còn cao hơn nhiều so với bệnh cúm mùa và virus gây bệnh nặng hơn. Ông muốn các hạn chế được nới lỏng một cách nhẹ nhàng hơn. “Không có lý do gì để tin rằng, một biến thể mới sẽ không còn lây lan hoặc gây bệnh nghiêm trọng hơn”, ông nói thêm.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, trong bối cảnh thế giới đang học cách sống chung an toàn với Covid-19, Vương quốc Anh tiếp tục đi đầu trong việc sử dụng các phương pháp điều trị tiên tiến đã cứu sống nhiều bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất. Cụ thể là việc mở rộng khả năng tiếp cận thuốc kháng virus điều trị Covid-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho thêm hàng nghìn người.