Thủ tướng Đức Angela Merkel đang nỗ lực xoa dịu những bất đồng trong nội bộ liên minh của mình về chính sách tiếp nhận người tị nạn.
Người tị nạn chờ xe buýt sau khi vượt qua khu vực biên giới giữa Áo và Đức ở Wegscheid, miền Nam Đức.
Ông Horst Seehofer, được chỉ định làm Bộ trưởng Nội vụ Đức hồi tháng Ba vừa qua, cam kết đưa ra một “kế hoạch tổng thể” mới và cứng rắn về vấn đề người di cư. Tuy nhiên, ông đã hoãn trình bày kế hoạch trên trước Quốc hội Liên bang Đức trong ngày 12-6 với lý do “vẫn cần thống nhất một số điểm.”
Là Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), ông Seehofer từ lâu được biết đến là người thường chỉ trích quyết định của Thủ tướng Merkel mở cửa cho người tị nạn và nhập cư hồi năm 2015.
Theo thỏa thuận thành lập chính phủ đại liên minh, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã nhất trí duy trì việc tiếp nhận số người xin tị nạn mới tại nước này dưới mức 200.000 người/năm. Bộ trưởng Seehofer ủng hộ chính sách ngăn dòng người tị nạn đã đăng ký tại một nước châu Âu khác tràn vào Đức.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo tại thủ đô Berlin sau cuộc gặp với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cùng ngày 12-6, Thủ tướng Merkel nêu rõ bà phản đối kế hoạch ngăn dòng người tị nạn nói trên vào Đức, cho rằng nước này không nên hành động đơn phương mà châu Âu cần tìm giải pháp chung cho vấn đề di cư. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh cần đảm bảo an ninh chặt chẽ hơn ở khu vực biên giới của châu lục.
Về phần mình, Thủ tướng Kurz - người có quan điểm cứng rắn về chính sách nhập cư, khẳng định sẽ không tham gia những tranh cãi nội bộ Đức, nhưng nhấn mạnh Áo - nước sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1-7 tới- sẽ tăng cường ưu tiên bảo vệ các đường biên giới của EU. Trong hai năm qua, số người tị nạn tới Đức đã giảm mạnh, tuy nhiên mỗi tháng nước này vẫn tiếp nhận khoảng 11.000 người xin tị nạn mới.