Nước mắt của tình người và lẽ phải

HOÀNG CHIẾN (thực hiện) 21/06/2023 14:00

Với mong muốn đi sâu tìm hiểu, khai thác những câu chuyện cảm động, nhân văn và còn chưa kịp kể ra trong quá trình thực hiện các tuyến bài điều tra, đề cao tinh thần đấu tranh chống tiêu cực và nâng niu những điều nhân ái, hướng thiện…, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Ðỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay) - một trong những cây bút phóng sự điều tra được nhiều người biết đến.

Nhà báo Ðỗ Doãn Hoàng.

PV: Sau gần 30 năm trong nghề, theo anh điều gì làm nên thành công của một người làm báo?

Nhà báo ĐỖ DOÃN HOÀNG: Với tôi người làm báo thành công là phải yêu nghề, muốn cống hiến cho nghề viết và khao khát tìm cách để những bài báo đem lại những điều hữu ích cho cộng đồng.

Trong hồi ký về tuổi sinh viên của tôi có viết, chúng tôi ăn mì tôm, ăn cơm bụi, ăn chịu (cắm quán) khắp khu ký túc xá để rồi cặm cụi cùng nhau viết báo. “Ăn báo chí, ngủ báo chí, đến giấc mơ cũng trùm phủ bởi báo chí”. Chính sự quyết liệt với nghề ngay từ những ngày đầu làm báo, quyết làm đến tận cùng với các đề tài của mình đã tạo nên giá trị nào đó, sự xác tín nào đó.

Những nguy hiểm, khó khăn khi thực hiện các tuyến bài điều tra đã được anh chia sẻ khá nhiều, nhưng chúng tôi tò mò về câu chuyện “ngoài lề” về cái tình người trong quá trình đó, thưa anh?

- Trong quá trình làm nghề, tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ người dân cũng như cơ quan chức năng. Nếu không có sự giúp đỡ đó thì chúng tôi sẽ không thể làm được.

Nguyên tắc để nguồn tin luôn được tiếp nối không dứt, hết bài nọ đến bài kia suốt 30 năm qua, nằm ở chỗ: chúng tôi đã xây dựng một hệ thống thông tin viên, cộng tác viên đông đảo. Đặc biệt, là xây dựng niềm tin từ bà con và cán bộ. Nguyên tắc của tôi là: người làm báo khi mới vào nghề, họ như những mảy sắt bị thu hút bởi những nguồn tin là thỏi nam châm. Sau đó, khi có vị thế và uy tín cùng sự quý mến của người dân, của cán bộ thì bản thân nhà báo lại là cục nam châm hút các mảy sắt nguồn tin về phía mình. Nhất là hiện tại, với hàng vạn nhà báo, người cầm bút với các “ngã rẽ” khác nhau, khiến đôi lúc và ở đâu đó không ít người tỏ ra mệt mỏi, có khi đề phòng báo chí vì sự sách nhiễu không đáng có. Trong bối cảnh đó nhà báo càng cần phải xác lập được uy tín của mình với cộng đồng. Điều này rất quan trọng, đó là yếu tố mấu chốt để người ta luôn luôn thông tin cho mình các sự việc, để mình có được thông tin quý một cách liên tục, thường xuyên, rộng khắp.

Tôi xác định rằng phải luôn quý trọng người mình làm việc cùng, kể cả những kẻ không ưa mình, kể cả đối thủ của mình. Bởi vì, tôi không biết rằng có thể người hôm nay tôi đang tố cáo, mai sau có thể là người cùng sát cánh với tôi để làm một vụ khác, khi hai bên hiểu nhau hơn. Những người hôm nay mình đối đầu nhưng ngày mai lại là bạn. Cũng biết đâu họ vì tức giận nhất thời từng muốn trả thù mình nhưng qua tìm hiểu, người ta thấy mình minh bạch, mình không vì yếu tố cá nhân nào cả, họ lại xí xoá mà không thù oán chúng tôi nữa. Từng có những cán bộ “có đai có đẳng”, họ đứng từ xa quan sát những hoạt động của chúng tôi trong nhiều năm. Khi họ có đủ tư liệu để khẳng định rằng tôi là người đáng tin cậy thì sau đó, họ cho người mời đến và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều.

Để thực hiện các tuyến bài điều tra, nhà báo nhiều lúc phải hóa thân, phải nhập vai. Anh đã bao giờ thấy có lỗi với những người mình đã từng tạo niềm tin để khai thác thông tin cho bài báo của mình?

- Có những vụ việc các đối tượng phải ngồi tù tổng cộng đến gần 70 năm, hàng chục người bị bắt giữ (như loạt bài phá rừng nghiến cổ thụ ở Hà Giang, đoạt giải A, giải báo chí Toàn quốc về phòng chống tham nhũng tiêu cực lần thứ 3). Chúng tôi cũng đã từng rất trăn trở và áy náy, không biết gọi là kỷ niệm vui hay buồn trong nghề báo nữa, khi mà có ngày cơ quan điều tra gửi cho tôi 12 cái lệnh bắt người để “tham khảo”, 12 vị xếp hàng chóng hết cả mặt. Tất cả là xuất phát từ phóng sự của chúng tôi, bắt giam cả Chánh thanh tra, cả lãnh đạo huyện... Đã phải lăn lộn đóng vai, ăn chực nằm chờ, sống với họ, chiếm được lòng tin của họ nhưng vẫn phải tố cáo họ. Bởi công lý và sự thật chỉ có một. Mình không thể dung dưỡng cho cái sai của bất kỳ ai.

Tôi đã từng thấy áy náy, thấy có lỗi với những người mình đã từng vào vai gắn bó, tạo niềm tin. Nhưng cảm xúc đó cũng qua đi rất nhanh bởi tôi nghĩ: nhiệm vụ của mình, của nhà báo, là muốn cống hiến cho cộng đồng thì phải biết yêu thương cái đẹp, lẽ phải và đấu tranh cho việc loại trừ cái xấu, cái ác bằng mọi giá. Không thể vì tình riêng với họ mà bỏ qua được. Có một chuyện về “tình riêng và việc chung", đó là tình cờ gặp cô gái buôn lợn chết để làm đặc sản mà tôi đang điều tra, bố tôi, một nhà văn, tủm tỉm bảo: Bố e là mày không dám tố cáo cô ấy. Vì cô ấy quá xinh và quá “nguy hiểm”. Tôi nói với ông: Con không làm cho ra nhẽ để cứu người tiêu dùng đang bị đầu độc, thì bố cứ… từ mặt con đi (cười).

Đã bao giờ anh khóc khi thực hiện một tuyến bài nào? Và điều gì khiến anh ám ảnh nhất trong khi thực hiện các tuyến bài điều tra?

- Có thể tôi là đàn ông, cũng mạnh mẽ, vào sinh ra tử, “chai lì” với nhiều thứ rồi, nên không dễ dàng để khóc. Thế nhưng, cũng có những đề tài khiến tôi phải rơi nước mắt, đó cũng chính là những điều ám ảnh nhất đối với tôi. Đó là lần chúng tôi điều tra để đòi lại biên chế cho gần 80 giáo viên tại Yên Bái. Tôi đến nhà nào cũng thấy bán trâu rồi (còn cái chuồng rỗng) và một khoản nợ gần bằng nhau (của cả vài chục cô giáo mầm non) trong ngân hàng vì “chạy” biên chế. Khi vụ việc được phanh phui và có tổ chức đối thoại với hàng trăm giáo viên liên đới, lắng nghe họ nói. Trên diễn đàn, tôi không thể phát biểu mà chỉ biết nghẹn ngào vì quá thương họ. Để rồi sau đó, cả hội trường cũng khóc theo tôi.

Phóng sự “Rượt đuổi "quỷ ấu dâm" - hành trình trong nước mắt” cũng đúng như tên gọi, một hành trình đầy nước mắt của chúng tôi. “Các con quỷ” đó đã trả giá nhưng ai sẽ cứu được các cháu bé đã bị nhiễm HIV và bị hãm hiếp nhiều lần theo đúng nghĩa, khi mới chỉ 14, 15, 17 tuổi? Những cuộc phỏng vấn của chúng tôi đầy nước mắt khi các cháu kể về nỗi ám ảnh của mình. Những lúc đó, tôi cảm giác như mình chính là bố của các cháu: đưa đi khám bệnh, xét nghiệm, cho tiền trang trải cuộc sống và mua thuốc.

Theo anh điều gì cần thiết cho những phóng viên trẻ trên con đường làm báo với mảng đề tài đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực?

- Các bạn cần kiên định con đường mình đã chọn, quyết liệt, tận hiến cho nó và tin vào chiến thắng. Đặc biệt là cần phải biết chấp nhận, hy sinh những ham muốn thói thường lặt vặt của cuộc sống để kiến tạo một lối đi, một con đường. Không có gì là dễ dàng. Nếu buông thả được một lần thì cũng có lần hai và lần thứ “N”; buông thả chuyện nhỏ được thì cũng sẽ buông thả chuyện lớn nữa.

Bên cạnh đó, trong thời buổi này, điều quan trọng của một nhà báo là phải có khả năng phân tích, đào sâu, định hướng, tìm những câu chuyện đằng sau và sâu xa hơn của vấn đề. Báo chí hiện tại cần sự thông thái, tâm huyết và chuyên nghiệp của các cây viết, chứ không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần (vì cái này thì mạng xã hội làm nhanh hơn; sự lan truyền của internet tốc độ cao và các ứng dụng có thể làm cho người đưa tin đơn thuần bị mất sự “độc quyền” trong tích tắc). Cần hàm lượng trí tuệ sâu hơn, lý tưởng sống quyết liệt hơn. Do đó, các cây viết trẻ cũng cần tự trau dồi, rèn luyện nhiều hơn nữa để theo đuổi nghề báo điều tra.

Trân trọng cảm ơn anh!

Làm để truyền cảm hứng cho người trẻ

Điều gì khiến anh luôn làm mới mình, giữ đam mê với nghề?

- Tôi luôn trăn trở rằng mình là người viết, phải làm được điều gì đó cho cộng đồng. Và cần làm bằng được điều đó - dường như khát vọng này đã níu chân tôi trên hành trình của nghề báo, trở thành nội lực để luôn phải làm mới mình. Do vậy, những vấn đề của xã hội, những bất công trong cuộc sống liên tục được tôi phân tích, đào sâu, biến thành chủ đề trên những trang viết rồi bằng mọi giá tạo hiệu ứng đích thực và tích cực cho nó trong cuộc sống. Nói đơn giản hơn thì khi thấy mình vẫn còn sức, còn có thể viết tiếp thì tôi vẫn cứ làm. Như một anh nông dân cứ thấy ruộng là cày cuốc, không thấy mùa vàng đều đặn về là tiếc cho cả một vùng đất đai.

Ban đầu tôi làm nghề cũng vì cơm áo gạo tiền, muốn có nhà, có xe, muốn con đi học nước ngoài… những khát vọng rất con người. Nhưng sau này thì khát vọng nó khác đi, đó là làm được gì cho cộng đồng, rồi làm gì để truyền cảm hứng cho người trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt của tình người và lẽ phải