Đoàn công tác do bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu vừa có buổi kiểm tra thực tế việc thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo” của UBTƯ MTTQ Việt Nam tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Năm 2018, thực hiện kế hoạch của MTTQ tỉnh Nghệ An về việc triển khai nuôi bò cái sinh sản tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bền vững, xã Tam Đình là một trong những địa phương được chọn để triển khai dự án nói trên. Sau hơn 3 năm triển khai, trên cơ sở 33 con bò giống dự án, tính đến tháng 6/2021 đã có 40 con bê được sinh ra, nâng tổng đàn lên 73 con.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Kha Văn Minh, Chủ tịch MTTQ xã Tam Đình cho biết: Từ số bê được sinh ra, MTTQ xã phối hợp với Ban thực thi dự án của xã tiến hành làm hồ sơ 20 con bê chuyển pha 2 và chuyển giao cho 20 hộ gia đình đăng ký, đủ điều kiện tham gia thực hiện dự án.
Tiếp đó, trong 2 tháng (10 và 11/2021) đã chuyển 10 con bê pha 2 thành công cho 10 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo năm 2021 tiếp tục tham gia dự án. Đến nay, các con giống giao cho người dân đều phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt. Qua việc thụ hưởng từ dự án, các hộ gia đình đã có nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế. Ông Minh dự tính: “Đến nay, đã có 53 hộ gia đình tham gia dự án, dự kiến tới tháng 5/2022 sẽ phát triển thêm 28 bê con của 28 hộ gia đình”.
Thực tế tại một số hộ gia đình thực hiện dự án tại xã Tam Đình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao sự đồng thuận, hưởng ứng, trách nhiệm khi tiếp nhận sự hỗ trợ từ dự án của các hộ dân. Đồng thời bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: “Đến nay, hầu hết các địa phương thực hiện dự án, số vật nuôi đã được nhân lên gấp đôi, gấp ba số con giống ban đầu, tạo điều kiện cho nhiều hộ khác được hưởng lợi từ dự án”.
Song, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị: Các hộ dân tiếp nhận sản phẩm của dự án cần chăm sóc vật nuôi chu đáo hơn, theo dõi sát quá trình phát triển của vật nuôi để nắm bắt được sự thay đổi của chúng, để có phương án chăm sóc phù hợp, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo vật nuôi phát triển tốt…