Nuôi cá ‘chạy’ ở đảo Thổ Chu

ĐOÀN XÁ 01/10/2023 09:00

Nằm cách đất liền (TP Rạch Giá) hơn 200 km, cuộc sống của người dân trên đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, TP Phú Quốc, Kiên Giang) gắn liền với hai mùa gió Nam (từ tháng 4 tới tháng 8 âm lịch) và gió Bắc là thời gian còn lại. Thế nên, tập quán sinh sống cũng khá đặc biệt, nhất là nghề nuôi cá “chạy”.

Một góc bãi Dong.

Lựa chiều gió để nuôi cá

Là hòn đảo xa đất liền, cuộc sống của người dân ở Thổ Chu gắn liền với 2 nghề chính là đi biển và nuôi cá lồng bè. Trên đảo ngoài lực lượng quân đội có hàng trăm hộ dân chủ yếu sinh sống tập trung tại khu vực ven bờ bãi Ngự. Đây cũng là trung tâm của đảo với một cầu cảng kiên cố bằng bê tông cho tàu bè cập đảo cùng chợ dân sinh, cơ quan hành chính, y tế và trường học của xã. Tuy nhiên, những người nuôi cá lồng bè và ghe tàu của ngư dân chỉ có thể ở bãi Ngự trong mùa gió Bắc, còn khi mùa gió Nam kéo dài 4 tháng thì họ phải chạy sang khu vực bãi Dong. Bởi gió Bắc mạnh, thổi trực tiếp từ phía biển vào tạo lên sóng lớn khiến ghe tàu dễ hư hỏng, chìm tại cảng và những lồng nuôi cá bè cùng nhà tạm trên biển cũng xô lệch, hư hại. Vì thế, ngư dân và người nuôi cá bắt đầu cuộc di cư chạy sang khu bãi Dong nằm khuất trong một vịnh nhỏ, phía bên kia của đảo. Dù cách khu vực cũ chừng 7km nhưng việc di cư này cũng ảnh hưởng khá nhiều tới đời sống sinh hoạt của người dân, bởi bãi Dong là khu vực hoang vắng. Tuy nhiên đó cũng là tập quán sinh hoạt đặc biệt dường như chỉ có ở đảo Thổ Chu.

Gắn bó với nghề nuôi cá bớp trong lồng bè hơn 5 năm, chị Trần Thị Trang (43 tuổi) cho biết, gia đình chị ở trong TP Rạch Giá ra ngoài này làm ăn. “Cá bớp dạo này khó khăn lắm bởi bên Phú Quốc giờ người ta mua ít. Tháng trước vợ chồng tôi có thả thêm 2 lồng cá chim vây vàng để có thêm thu nhập. Chi phí nuôi cá chim rẻ hơn nhiều so với cá bớp. Bè nhà tôi chỉ ở bên bãi Dong chừng 3 tuần nữa là chạy về neo bên bãi Ngự. Ở bãi Ngự gần chợ nên đi lại cũng tiện hơn bên này nhiều”, chị Trang kể. Theo người phụ nữ này, cá bớp sau khi thả nuôi chừng 7 tháng là bắt đầu bán ra. Lúc này cá khoảng 5-6 kg. Tuy nhiên, càng để lâu thì trọng lượng và giá trị của cá càng cao. “Cá bớp mà chừng 12 tháng thì trọng lượng trên 10 kg, bán giá cũng khoảng 250.000 đồng/kg. Đây là lúc cá ngon nhất, chủ yếu mấy nhà hàng lớn ở Phú Quốc mới đặt mua loại cá này thôi. Cá bớp phàm ăn và ăn nhiều lắm. Hàng ngày công việc chính của hai vợ chồng là thả lưới bắt cá tạp làm thức ăn cho cá bớp. Khi nào không đủ thì phải mua thêm. Đợt vừa rồi nhà tôi thu hoạch hơn 60 con cá cũng lời 30 triệu đồng”, chị Trang chia sẻ.

Kể về việc phải chạy từ khu vực Bãi Ngự sang bãi Dong và chạy về trong một năm, chị Trang bảo mỗi lần kéo bè và nhà như vậy cũng ảnh hưởng tới cá thả nuôi. Nếu cá còn nhỏ dưới 1 kg thì không sao nhưng càng lớn thì việc di chuyển càng khó khăn, có thể khiến cá bị ngộp (chết) hoặc yếu đi. “Ở bên bãi Dong thì xa trung tâm, mỗi lần đi chợ mua đồ ăn, xăng dầu cũng khó khăn lắm. Mấy năm trước đường từ bãi này sang bãi kia còn cực lắm, chạy ghe không à. Giờ thì đỡ hơn rồi, đi xe gắn máy cũng tiện chỉ mất chừng 30 phút. Bên bãi Dong giờ cũng đã có điện”, chị cho biết.

Người dân chăm sóc cá bớp.

Đặc sản Thổ Chu

Nằm cách TP Phú Quốc khoảng 100km, có tuyến tàu cao tốc chạy mỗi chuyến cách nhau 5 ngày, hầu hết hàng hóa của cư dân trên đảo đều gắn với chuyến tàu này. Ngoài ra, một số ghe tàu đánh cá của ngư dân ở Rạch Giá, Ba Hòn từ đất liền ra khai thác thủy sản tại khu vực biển Thổ Chu cũng thường tranh thủ việc chuyên chở hàng hóa ra đảo để tiết kiệm chi phí. Những ghe tàu này đánh bắt và cũng thường xuyên neo đậu quanh đảo Thổ Chu bán sản phẩm cho thương lái để theo tàu cao tốc về lại Phú Quốc. Tuy nhiên, đặc sản nổi tiếng của Thổ Chu vẫn là cá bớp bởi môi trường nuôi trong lành, thức ăn là nguồn cá biển khiến chất lượng cá bớp nuôi không khác gì cá đánh bắt tự nhiên.

Đây là lần thứ hai tôi đặt chân lên đảo Thổ Chu và nhận thấy cuộc sống trên đảo có nhiều thay đổi, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Mặc dù nằm rất xa đất liền nhưng so với năm 2019, tuyến đường bộ nối từ bãi Dong sang bãi Ngự đã được bê tông hóa kiên cố và dễ đi hơn rất nhiều. Đặc biệt, ở khu vực bãi Dong, nơi vốn hoang vắng và ít người cư ngụ hiện nay đã được xây dựng một cầu cảng để ghe tàu neo đậu. Dù cầu cảng nhỏ hơn khu bãi Ngự nhưng có thể giúp nhiều ngư dân, người nuôi cá lồng bè bớt nỗi lo chạy gió bởi họ có thể nuôi cá, neo đậu ở khu bãi Dong này cả năm mà không cần chuyển về bãi Ngự.

Những bè cá "chạy".

Chị Phan Thị Hơn, một người nuôi cá ở khu vực bãi Dong cho biết: "Bình thường hết tháng 8 âm lịch là nhà lồng chạy về bãi Ngự nhưng năm nay nhà tôi quyết định ở lại đây tới tết vì sợ chạy qua bên kia cá bị ngộp. Tuần trước tôi mới tắm cho cá (mỗi tháng tắm 1 lần để sạch cá, tránh bị bệnh) thì thấy đợt này cá lớn nhanh hơn nên có thể bán hết trước tết. Thời tiết ở đây từ cuối tháng 11âm lịch hết mưa nên khách du lịch tới Phú Quốc đông lắm. Mà khách tới là đặc sản cá bớp ở Thổ Chu bán được liền. Năm nay nhà tôi chỉ thả 4 lồng, chứ hồi trước dịch Covid -19 lúc nào cũng thả 7-8 lồng xen kẽ, bán cá liên tục đó”, chị Hơn cho biết.

Theo chị Hơn, gia đình chị có nhà ở bên bãi Ngự nên hai đứa con học hành bên đó. Hàng ngày vợ chồng chị chạy qua chạy lại để mua thức ăn cho cá, tối thì chồng chị ngủ lại nhà lồng. Gần khu vực bãi Dong có đồn biên phòng nên ngư dân kéo nhờ điện để thắp sáng ban đêm khiến cuộc sống cũng đỡ vất vả.

Dù hiện nay số hộ nuôi cá bớp lồng bè ở Thổ Chu có giảm so với thời gian trước dịch Covid-19 nhưng vẫn có hàng trăm lồng bè được ngư dân thả nuôi, tất cả đang neo ở bãi Dong tránh gió. Ngoài cá bớp thì cá chim vây vàng, cá mú đen hay cá mú trân châu cũng được nhiều ngư dân thả nuôi để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Trong đó một số người ban đầu từ đất liền ra đảo chỉ với mục đích kinh doanh, làm lồng bè nuôi cá vì môi trường tốt đã “bén duyên” và cư ngụ luôn tại đảo.

Đặc biệt, dù xa đất liền nhưng những chuyến tàu cao tốc chở khách du lịch từ Phú Quốc cập bến đảo Thổ Chu ngày càng thường xuyên giúp hòn đảo ngày càng trở lên gần gũi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi cá ‘chạy’ ở đảo Thổ Chu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO