Chim bồ câu là loài vật nuôi quen thuộc ở nông thôn và một số nơi ở thành thị. Nó dễ nuôi, hiền lành và thân thiện với con người.
Bồ câu được nuôi theo 3 hướng: Nuôi lấy thịt, nuôi làm cảnh và nuôi để đưa thư. Bồ câu có một khả năng đặc biệt, đó là nhận biết và định hướng được đường bay dù xa tới hàng chục km. Nó phát ra tín hiệu để dò tìm từ trường mà mà định hướng bay. Vì vậy, bồ câu dù được đưa đi rất xa, nhưng nó vẫn có thể tìm được đường về với tổ cũ của nó.
Bồ câu được xếp là loài thủy chung. Nó sống một đôi với nhau suốt đời. Chúng cũng mắn đẻ, mỗi lần đẻ thường cho ra một con trống và một con mái. Hai con chim con lớn lên và lại “lấy” nhau. Đây là điều mà loài người chưa giải thích được vì sự đồng huyết này lại không ảnh hưởng gì đến nòi giống. Bồ câu rất chịu khó kiếm ăn và rất thích ăn các loại ngũ cốc, các loại hạt đậu. Nó chỉ nghỉ ngơi khi đã no nê. Bồ câu ưa cuộc sống thoáng đãng, sạch sẽ.
Chúng thích chuồng phải rộng rãi, đặt ở nơi cao ráo, yên tĩnh và phải có màu sắc sặc sỡ. Chúng thường xuyên tắm và chải chuốt cho lông mượt mà. Bồ câu rất thích soi gương. Nó lò dò trên bờ giếng, bể nước hoặc hồ ao để ngắm mình. Vì vậy, bà con ta hay để cửa chuồng một cái gương để bồ câu ngắm nghía, tỉa tót. Lúc bồ câu còn non, ta rất khó phân biệt được trống, mái. Tới lúc trưởng thành, ta có thể xác định được giới tính của nó: Con trống có đầu thô, to xác hơn, nó phản xạ gù con mái và khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp hơn. Còn con mái thì ngược lại, đầu nhỏ và thanh, thân mảnh mai hơn và khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng hơn.
Các giống bồ câu của ta có cơ thể nhỏ (chỉ khoảng 300-400 gram), đẻ mỗi năm 6-7 lứa. Ta đã nhập giống bồ câu từ Pháp. Nó có thể đẻ 8-9 lứa/năm và 28 ngày tuổi có thể đạt 530-580 gram/con. Riêng dòng Titan, khối lượng chim non khi ra ràng lên tới 700 gram/con, như vậy nó lớn gấp đôi giống chim ta. Dòng chim bồ câu Pháp này có màu lông đa dạng, ngoại hình thấp, béo, ức nở vai rộng.
Nếu bà con định nuôi chim bồ câu thì việc chọn giống là quan trọng nhất. Phải chọn con khỏe mạnh, lanh lợi…và nên mua loại 4-5 tháng tuổi trở lên. Ta có thể chăn thả tự nhiên hoặc tổ chức nuôi nhốt bồ câu theo phương pháp bán công nghiệp. Nơi nuôi chim phải để ở độ cao vừa phải, có ánh nắng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, tránh được gió lùa và mưa, tránh được mèo, chuột… Phải có máng ăn, máng uống riêng. Thức ăn phải sạch, đủ cả về chất và lượng. Phải chăm sóc và nuôi dưỡng chim kết hợp với phòng và trị bệnh cho nó.
Nước rất cần thiết cho chim bồ câu. Trong các loại chim, chim bồ câu là một trong những loài tiêu thụ nhiều nước. Một cặp chim tiêu thụ trung bình 200 ml nước mỗi ngày, có lúc tăng lên 300 ml vào ngày nóng và ít nhất 150 ml vào lúc lạnh. Chim bồ câu thường nhúng mỏ vào nước trong suốt thời gian chúng uống nước. Đặc biệt, chim bồ câu rất thích tắm, nhất là trong thời gian thay lông, chim non thích tắm quanh năm.
Bạn cần hỏi thêm hoặc mua giống bồ câu Pháp, xin liên hệ với Tiến sĩ Nguyễn Duy Điều (Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương) qua số điện thoại: 0912.784.092.