Có thể thấy, nếu việc nuôi ong là ích lợi thì rõ ràng công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa hiệu quả, cũng như việc người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, ngang nhiên tấn công tài sản người khác cũng có phần lỗi của chính quyền địa phương.
Trai nuôi ong của ông Quân bị người dân đập phá.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với Cục Chăn nuôi và tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn “Phát triển nuôi ong bền vững”. Các nhà khoa học khẳng định, việc nuôi ong mật không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn giúp thụ phấn, nhằm tăng sản lượng và chất lượng cho cây trồng. Thế nhưng người dân tại địa phương vẫn còn phản ứng khá gay gắt việc nuôi ong. Cụ thể, vừa xảy ra thêm một vụ đập phá trang trại nuôi ong.
Phản ứng gay gắt
Theo trình bày của ông Lê Lộc Quân, trưởng nhóm nuôi ong mật thuộc Công ty CP Ong mật TP. Hồ Chí Minh, liên tiếp trong những ngày qua, trại nuôi ong của công ty ở xã Tam Sơn, thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị hàng chục thanh niên ập đến phá hoại tài sản và đàn ong.
Đầu tiên vào lúc sáng ngày 8/8, khoảng 40 người kéo đến đuổi, đập phá, xịt thuốc diệt muỗi vào thùng nuôi ở 3 trại ong. Tiếp đến ngày 9/8, khoảng 50 người kéo đến đập phá, tiêu diệt đàn ong. Họ khẳng định, nếu không di dời trại ong, sẽ tiếp tục đập phá. Tiếp đến ngày 12/8, nhiều đối tượng tiếp tục đến đe dọa trại ong.
Theo quan sát của chúng tôi, tại hiện trường ở thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, có nhiều thùng ong mật bị hư hại, bể nát. Nơi đây còn sót lại chai thuốc xịt côn trùng.
Theo Trưởng Công an xã Tam Sơn, ông Phạm Đắc Hùng: “Có khoảng 20 người dân và 15 phụ nữ đến các trại ong nuôi lấy mật để đập phá, làm hư hại một số thùng ong của ông Lê Lộc Quân và ông Hồ Ngọc Hùng. Công an xã gặp gỡ trực tiếp các đối tượng, giải thích cho họ hiểu, nên họ đã ra về”.
Cho dù tại buổi tiếp xúc với người dân ngay tại trụ sở UBND xã, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Nguyễn Địch giải thích: “Nghề nuôi ong mật được Nhà nước khuyến khích, bởi mang lại giá trị kinh tế khá cao cho các hộ dân ở các xã miền núi như Tam Sơn. Con ong mật hoàn toàn không gây hại cho cây trồng...”, nhưng người dân vẫn phản ứng gay gắt.
Đây không phải là lần đầu tại địa phương này người dân phản ứng về nuôi ong.
Trước đó, cũng vì cho rằng 400 đàn ong, mỗi đàn có đến hàng nghìn con đặt tại hộ ông Hồ Thanh Hà, trú thôn 2, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My gây thiệt hại cho mùa màng, hơn 50 người dân thôn 2 đã đến yêu cầu ông Hà di dời đàn ong.
Sau đó xảy ra xô xát khiến một người dân bị đánh gục tại chỗ, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại thôn 8 của xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước cũng từng xảy ra việc hàng chục người dân tập trung tại một trại nuôi ong để bày tỏ bức xúc, đề nghị chủ trại phải dời ong đi nơi khác… Điều đó cho thấy sự phản ứng của người dân về việc nuôi ong khá gay gắt.
Cần sớm có những giải pháp hữu hiệu
Lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định, nuôi ong mật là nghề truyền thống có từ lâu tại nhiều địa phương trong cả nước, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho nông dân. Nuôi ong mật còn tạo điều kiện cho cây trồng thụ phấn.
Việc một số thông tin cho rằng ong mật gây hại cho cây trồng là không chính xác, thiếu thực tiễn và khoa học. Nghề nuôi ong mật cũng được Bộ NN&PTNT khuyến khích phát triển, được đưa vào chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm giai đoạn 2013 – 2020. Người dân phản ứng là do còn thiếu hiểu biết về tác dụng của con ong với cây trồng”.
Một người dân cho biết: “Chúng tôi chỉ tận mắt thấy ong bu kín ruộng lúa nhà mình ngay trong thời kỳ làm đòng, trăm bông lúa lép hết trăm bông thì thử hỏi ai không nóng ruột. Còn các ông khoa học kết luận như thế nào chúng tôi không được biết!”.
Trước tình trạng người dân một số địa phương xua đuổi đàn ong vì lo ngại ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có công văn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh với nội dung kêu gọi các địa phương khắc phục hiện tượng nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong tiếp tục duy trì và phát triển nghề nuôi ong.
Nhưng qua những vụ phản ứng gay gắt của người dân cho thấy, nếu việc nuôi ong là ích lợi thì rõ ràng công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa hiệu quả, cũng như việc người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, ngang nhiên tấn công tài sản người khác cũng có phần lỗi của chính quyền địa phương. Thậm chí chính quyền địa phương cũng không ủng hộ việc nuôi ong.
Cụ thể, ngày 23/7/2015, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Sơn, Lê Bá Tri đã ra văn bản số 27/UBND về việc yêu cầu di chuyển gần 20 trại nuôi ong ra khỏi địa phương trước ngày 30/7/2015.
Gần nhất ngày 14/8, UBND xã Tam Sơn ra biên bản làm việc với các trại ong phải di dời chậm nhất đến ngày 16/8/2015. Ông Tri còn nói: “Tôi chấp nhận làm trái với chủ trương của cấp trên vì… người dân trong khu vực”. Do đó, ngành nông nghiệp địa phương cần sớm có những giải pháp cụ thể để đem lại niềm tin cho người dân.