Vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, những hộ dân nuôi ong núi đá lấy mật ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã có những cách thức riêng để tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Xuân Quang, nghề nuôi ong lấy mật đã được bà con duy trì từ hàng chục năm nay. Những dải núi đá trải dài ôm lấy những khu vườn, trang trại rộng lớn với những mùa hoa nhãn, hoa bưởi, hoa chanh, hoa đào cùng nhiều hoa dại trên núi. Là nguồn lợi dồi dào để người dân nuôi ong lấy mật, riêng tại xã Xuân Quang đã có tới hơn 30 hộ nuôi ong.
Nhà ít có vài chục đàn, nhà nhiều có khoảng vài trăm đàn ong. Đem lại cho gia đình mỗi năm từ 5-6 tấn mật. Sản lượng mật ong núi đá của xã Xuân Quang khá lớn và được bà con tiêu thụ tại chỗ. Với mức giá trung bình thừ 200-300 nghìn đồng mỗi lít mật.
Gia đình ông Ngô Đình Chiến ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng có trên 800 đàn ong lấy mật. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 400 triệu đồng từ việc bán mật ong. Theo ông, so với mô hình phát triển kinh tế khác, nuôi ong núi đá ít rủi ro vì nuôi ong hầu như không phải phòng dịch bệnh.
Thời gian qua, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông Chiến không bị ảnh hưởng nhiều. Sản phẩm mật ong núi đá tiêu thụ khá tốt vì đây là mặt hàng tốt cho sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa, hô hấp…
Chị Trần Thị Lành là chủ trại nuôi ong núi đá lấy mật với hơn 1.000 đàn ở thôn Thái Vô, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng. Do điều kiện tự nhiên đặc thù của địa phương và sự phong phú của các loài hoa đặc hữu nên sản phẩm mật ong của gia đình chị Lành có chất lượng tốt. Những năm qua, chị Lành đã xây dựng mật ong của trang trại trở thành một sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố, địa điểm du lịch.
Chị Lành cho biết, từ khi phát triển mô hình nuôi ong núi đá lấy mật đã cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian này, tuy sản lượng bán có giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chị vẫn lạc quan do sản phẩm mật ong có thể bảo quản được từ 2 - 3 năm mà vẫn giữ được chất lượng.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế cho biết, trên địa bàn huyện có gần 400 hộ nuôi ong núi đá với trên 11.000 đàn. Với diện tích đất lâm nghiệp, cây ăn quả lớn, đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong, nhiều hộ dân Bảo Thắng đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô nuôi của gia đình.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi ong núi đá lấy mật ở huyện Bảo Thắng mang lại hiệu quả cao hơn so với nhiều mô hình phát triển kinh tế khác; từ đó, tăng thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế, nghề nuôi ong núi đá lấy mật vẫn tìm được thị trường tiêu thụ. Nghề này đang trở thành mô hình thoát nghèo của nhiều hộ dân, tiến tới giúp địa phương thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.