Tuần qua, kể từ ngày 21/10, tình trạng ô nhiễm không khí xuất hiện ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ với việc Chỉ số chất lượng không khí (AQI) được ghi nhận là 307, theo bảng phân loại là “rất kém”. Đây là chỉ số thấp nhất được ghi nhận ở thủ đô New Delhi trong mùa Thu năm nay.
AQI từ 0 - 50 được coi là "tốt"; 51-100 "đạt"; 101 - 200 "trung bình"; 201-300 "kém", 301-400 "rất kém" và 401-500 "nghiêm trọng".
Thông tin từ Ủy ban kiểm soát ô nhiễm Ấn Độ cho biết, lớp sương mù dày đặc đã bao trùm nhiều khu vực của Delhi làm giảm tầm nhìn. Chỉ số AQI của các khu vực xung quanh Delhi cũng giảm xuống chạm mức “rất kém”.
Một trong những yếu tố chính khiến chất lượng không khí suy giảm ở Delhi là tình trạng đốt rơm rạ ở các bang nông nghiệp như Punjab và Haryana, nơi thải ra một lượng lớn khói và các hạt bụi vào bầu khí quyển vào mỗi mùa Thu. Hoạt động đốt gốc rạ đã góp phần gây ra hiện tượng ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Để hạn chế hiện tượng ô nhiễm không khí, ngày 14/10, chính quyền thủ đô New Delhi đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc sản xuất, cất giữ, bán và sử dụng pháo tại vùng thủ đô cho đến ngày 1/1/2025. Cùng với đưa ra những hướng dẫn thực hiện lệnh cấm, chính quyền còn yêu cần tất cả mọi người dân Delhi hợp tác. Giám đốc Sở Môi trường Delhi, Gopal Rai, kêu gọi người dân thủ đô ủng hộ nỗ lực của chính quyền hạn chế ô nhiễm không khí. Lệnh cấm này đặc biệt chú ý tới thời gian diễn ra lễ hội Diwali của người Hindu ngày 1/11, khi mà người dân thường đốt pháo trong dịp lễ này.
Ô nhiễm không khí không chỉ xảy ra ở Ấn Độ mà còn ở nhiều quốc gia khác. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres không ít lần đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế đầu tư vào không khí sạch để cứu sống được nhiều người và chống biến đổi khí hậu. Ông Guterres cho biết hàng năm thế giới có tới 8 triệu ca tử vong sớm, trong đó có hơn 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi do ảnh hướng xấu của ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm nói chung đang bóp nghẹt các nền kinh tế và làm Trái đất nóng lên, “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng cho rằng, ô nhiễm là kẻ giết người thầm lặng nhưng có thể ngăn chặn được nếu như ý thức được tăng cường và sự đầu tư thích đáng của các chính phủ.
“Đầu tư vào không khí sạch sẽ cứu được nhiều mạng người, chống biến đổi khí hậu, củng cố nền kinh tế, xây dựng xã hội công bằng hơn và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững” - ông Guterres nhấn mạnh.