Thời gian này các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang phải gồng mình hứng chịu đợt hạn, mặn nghiêm trọng, vượt mốc thiên tai lịch sử 2016. Các tỉnh Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang phải công bố tình huống khẩn cấp, để tập trung ứng phó. Nhiều tháng rồi, Đồng bằng sông Cửu Long không có mưa…
Người dân Bến Tre đang rất thiếu nước ngọt.
Chia sẻ với phóng viên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách (Bến Tre) Nguyễn Thanh Liêm cho biết, gắn bó với địa phương, cũng nghiên cứu về vùng ĐBSCL nhiều năm nhưng thấy diễn biến của hạn mặn năm nay phức tạp hơn nhiều. Độ mặn cao xâm nhập sâu, kéo dài hơn một tháng qua khiến cho nhiều cây trái bị cằn cỗi, vàng lá, thậm chí chết dần. Có thể tình trạng này sẽ còn kéo dài hơn một tháng nữa, người dân ở đây rất lo lắng. Hiện chúng tôi hướng dẫn bà con dùng mọi biện pháp duy trì sự sống cho cây qua đợt thiên tai này sẽ tập trung bồi dưỡng để phục hồi...
“Tình trạng hạn hán gây thiệt hại không đáng lo bằng việc gây nhiễm mặn cho vùng, đất bị nhiễm mặn phải mất từ 2 đến 6 năm thậm chí 10 năm mới mong rửa hết, đó là trong trường hợp thời tiết mưa thuận gió hoà, chứ cực đoan như vài năm qua thì khó mà phục hồi”- ông Liêm nói.
Tỉnh Bến Tre đề xuất Trung ương hỗ trợ trên 1.150 tỷ đồng ứng phó hạn mặn. Trong đó, cần hỗ trợ khẩn cấp khoảng 30 tỷ đồng để thực hiện phương án chở nước ngọt từ tỉnh khác về và đầu tư hệ thống các trạm bơm nước ngọt bổ cấp vào đập tạm, đưa nước ngọt về hồ chứa, nhà máy để có nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Khoảng 200 tỷ đồng để tỉnh đầu tư tiếp hồ chứa nước ngọt, quy mô 1,5 triệu m3 tại 3 huyện ven biển; khoảng 850 tỷ đồng đầu tư các hạng mục còn lại của Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre…
Ở Kiên Giang do hạn hán diễn ra sớm và kéo dài nên, giữa tháng 2, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp hạn mặn đồng thời chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương án hỗ trợ nhân dân khi cần thiết, kêu gọi toàn dân sử dụng tiết kiệm nước; cấp bách triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất…
Ông Nguyễn Văn Tâm- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang thông tin với báo chí: Ngành nông nghiệp tỉnh đã khẩn cấp đắp 195 đập tạm ngăn mặn trên vùng tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng và Tây sông Hậu để chủ động trữ nước ngọt, phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Nếu không thực hiện biện pháp này thì đến nay, toàn tỉnh bị nhiễm mặn nghiêm trọng.
Riêng tỉnh Cà Mau hiện đang phải đối diện với “thiên tai kép”, sau khi công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã đề nghị công bố tình huống thiên tai và xử lý sạt lở, sụt lún đất.
Theo Bộ NNPTNT, đến nay miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, trong tháng 3, dòng chảy sông Mekong từ thượng lưu về ĐBSCL có khả năng vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Từ ngày 7 đến ngày 15/3, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu 100 đến 110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa tiểu, Cửa Đại. Trong khi đó, sông Hàm Luông, nước mặn 4 phần nghìn xâm nhập 78 km; 70 km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu 70 km và 62 đến 65 km tại sông Cái Lớn. Chỉ riêng sông Cái Lớn có mức xâm nhập mặn tương đương với đợt thiên tai lịch sử năm 2016; các sông còn lại đều cao hơn từ 3 đến 8km.
Như vậy, suốt hơn 3 tháng qua, các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn phải oằn mình với hạn mặn, thiệt hại vẫn đang tiếp diễn, ngành chức năng cần tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, nhất là cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân đảm bảo sinh hoạt ổn định cuộc sống, tiếp tục chống chọi với hạn mặn...
Theo Bộ NNPTNT, đến thời điểm này toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 95.000 hộ dân gặp khó khăn vì đang thiếu nước ngọt sinh hoạt, trong đó, Sóc Trăng có số hộ dân bị ảnh hưởng cao nhất, với 24.000 hộ.