Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông - Đồng Tháp) là khu Ramsar quốc tế. Đó là những vùng đất ngập nước với nhiều đặc điểm riêng biệt. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều loài chim quý hiếm, trong có sếu đầu đỏ. Vào mùa nước nổi, hệ sinh thái ở đây có nhiều điểm đặc biệt, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm…
“Đồng Tháp Mười thu nhỏ”
Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích tự nhiên 7.313 ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây có điều kiện đặc biệt, với 6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập trắng đồng. Chính điều này tạo nên sự khác biệt của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Vườn quốc gia Tràm Chim có thảm thực vật phong phú gồm hơn 130 loài thực vật bậc cao; hệ chim nước có 231 loài; thủy sản 130 loài cá nước ngọt; 185 loài thực vật nổi; 93 loài động vật nổi; 90 loài động vật đáy… Các nhà khoa học cũng chỉ ra nơi đây có các kiểu quần xã đặc trưng như quần xã sen, lúa trời, năng, cỏ ống, mồm mốc, rựng tràm và đầm lầy, phân bố xen kẽ với nhau.
Hệ động vật ở đây nổi bật với Hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm1/4 tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Một số loài quý hiếm như: Ngan cánh trắng, cốc đế, ô tác, công đất, choi choi lưng đen, cổ rắn, giang sen, bồ nông chân xám, già sói... và đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ, lớn nhất trong họ Hạc - một tài sản thiên thiên vô giá của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Đặc biệt, hệ cá ở rừng quốc gia Tràm Chim cũng không kém phần phong phú, vừa đóng vai trò cân bằng sinh thái vừa là nguồn thức ăn cho các loài chim. Trong đó có một số loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam như: cá ngựa nam, cá duồng bay, cá còm, cá mang hổ, cá ét mọi, cá hô...
Từ lâu nơi đây đã được ví là “ốc đảo xanh” với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, hệ sinh thái của vùng được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”.
Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn
Hằng năm, mùa nước nổi đến với khu Ramsar Tràm Chim từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (khoảng tháng 9 - 12 dương lịch). Nhiều người cùng chung nhận xét, mùa nước nổi là mùa đẹp nhất, độc đáo nhất trong năm của khu này, với sắc hồng của cánh đồng hoa sen và điểm xuyến trên nền tràm xanh tươi bát ngát là hàng chục nghìn cánh cò trắng tạo thành một khung cảnh tuyệt vời. Thỉnh thoảng, vài con trích mồng đỏ cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu tuyệt đẹp; vài chú cồng cộc liệng mặt sông đớp cá... Tất cả hòa vào một bức tranh có cả sắc lẫn âm, được thu vào tầm mắt của du khách khi đặt chân đến đây.
Đến mùa nước nổi, bà con ở đây cũng bắt đầu thu hoạch lúa trời (hay còn gọi là lúa ma). Đây là một loài lúa rất đặc biệt vì vào mùa nước nổi, các loài thực vật thân cỏ khác sẽ bị nước nhấn chìm, chỉ riêng lúa trời là sinh sôi phát triển, nước dâng đến đâu, lúa vươn lên tới đó.
Mấy năm gần đây, tận dụng lợi thế mùa nước nổi, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp khai thác du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn quốc gia Tràm Chim với nhiều dịch vụ hấp dẫn. Theo Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim Lê Hoàng Long, để giúp du khách trải nghiệm thực tế, Vườn quốc gia Tràm Chim tổ chức tour du lịch quanh Khu A1 bằng phương tiện thủy hoặc bộ. Du khách được tham quan nhà trưng bày trứng và cá nước ngọt - bảo tàng cá đầy đủ và duy nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lên đài vọng cảnh dừng chân cao 20 m ngắm toàn cảnh đầm sen, rừng tràm… Để tránh tác động tiêu cực đến hoạt động sinh sản tự nhiên của các loài chim, Ban quản lý Vườn đã tăng cường công tác bảo vệ, tuần tra, bảo tồn khu vực này với nhiều hình thức như: thả thêm một số loài cá để làm thức ăn thu hút các đàn chim từ nơi khác bay về làm tổ, sinh sản. Đồng thời, thành lập các tổ cứu hộ chim non, kịp thời đưa những chú chim non bị gió thổi rơi về tổ an toàn... Mục đích là nhằm giữ chân các loài chim bay về trú ngụ sinh sản lâu dài, giữ nét thiên nhiên hoang sơ đặc trưng của nơi đây.
Phát triển du lịch là cần thiết. Nhưng đúng như lời ông Nguyễn Văn Dương- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã nói, cần gắn việc khai thác du lịch với công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn một cách hiệu quả. “Nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch sinh thái một cách hợp lý dễ dẫn đến suy thoái và phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, bởi hoạt động du lịch sinh thái có mối quan hệ qua lại mật thiết với môi trường tự nhiên”- ông Dương nói, đồng thời nhấn mạnh: “Trước khi đưa vào phục vụ du khách, mỗi năm, đơn vị cần tiến hành khảo sát và phân khu các khu vực với tiêu chí hàng đầu là: không đặt nặng vấn đề hút khách mà bỏ qua bảo tồn, không khai thác tràn lan dẫn đến phá vỡ hệ sinh thái…”