Sự phát triển mạnh mẽ của OCOP Quảng Ninh cho thấy một chiến lược đúng đắn, mang tính đột phá. Nguồn cảm hứng từ OCOP đã trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng hiện đại, văn minh và hội nhập.
Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong việc xây dựng “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Bắt đầu từ năm 2012, giai đoạn đầu đầy khó khăn với cả cán bộ và người dân. Ban đầu sản phẩm OCOP được xuất khẩu tại chỗ, phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa. Các sản phẩm OCOP cũng đã đi vào bữa ăn của hơn 11 vạn công nhân mỏ cũng như công nhân lao động tại các KCN trên toàn tỉnh.
“Sản phẩm OCOP ra đến đâu hết đến đó. Ngoài tiêu thụ trực tiếp ở các cơ sở, tại các phiên chợ OCOP, hàng thường không đủ bán. Vì thế, trước đây phải khuyến khích, thuyết phục người dân tham gia OCOP thì nay nhiều người tự nguyện, chủ động tìm cách tham gia” - ông Phạm Đức Thắng, Bí thư xã Hoành Mô nói.
Quảng Ninh quan tâm phát triển 17 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo quy hoạch của tỉnh. Trong đó, nguyên liệu từ nhóm trồng trọt đã có chứng nhận VietGAP, gồm: Nếp cái hoa vàng, rau củ quả, cam, ổi (Đông Triều); dưa lưới, quế (Đầm Hà); rau củ, chè, cam (Hải Hà); ổi (Hạ Long); cam (Vân Đồn); rau củ (Tiên Yên). Các vùng nguyên liệu đã được cấp mã số vùng trồng gồm: Trà hoa vàng, ba kích, quế (Ba Chẽ); vải, thanh long (Uông Bí); ổi, nhãn, vải, thanh long (Đông Triều); lúa bao thai, quế (Tiên Yên); hồi, dong riềng (Bình Liêu); khoai lang, lúa bao thai, củ cải, dưa lê, dưa lưới (Đầm Hà); trà hoa vàng (Hải Hà); ổi, lan hồ điệp (Hạ Long).
Đối với nguyên liệu từ nhóm thủy sản (mực và các sản phẩm từ mực, tôm, hầu, cá biển các loại...) được thu mua từ hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản trên biển. Các cơ sở đã tuân thủ đúng quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP từ nguyên liệu, sơ chế chế biến đến đóng gói sản phẩm, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Riêng nguyên liệu từ nhóm chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có 61 cơ sở đã được cấp chứng nhận VietGAP, an toàn dịch bệnh và 1 vùng an toàn dịch bệnh, 26 công ty, doanh nghiệp, HTX được cấp chứng nhận vệ sinh thú y, ATTP. Điều đáng mừng là hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất chất lượng cao. Kiểm soát, quản lý tốt khâu giống, thức ăn, phòng chống dịch bệnh đến vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Cùng với phát triển các sản phẩm OCOP về số lượng và chất lượng, Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Trong đó, trọng tâm là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, được ví như “đại diện thương hiệu” của tỉnh trên bản đồ sản phẩm quốc gia và quốc tế.
Từ những sản phẩm “ao làng”, cung cấp trong tỉnh, giờ đây nhiều sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã hội tụ đầy đủ các yếu tố về chất lượng, bản sắc vùng miền và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đó là các sản phảm tiêu biểu như ngọc trai Hạ Long, trà hoa vàng, bộ lọ hoa men chảy, miến dong Bình Liêu…
Không dừng lại ở số lượng, Quảng Ninh đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, hướng đến mục tiêu phát triển thêm các sản phẩm đạt chuẩn 5 sao quốc gia. Tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm từ những cây trồng, vật nuôi bản địa như trà hoa vàng, sá sùng, ruốc hàu, nước khoáng…
Cùng với đó, tỉnh cũng đang chú trọng đến thiết kế bao bì, nhãn mác và xây dựng câu chuyện sản phẩm để tạo dựng niềm tin và thu hút người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP 5 sao không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng mà còn mang hình ảnh chuyên nghiệp, hiện đại, sẵn sàng tiếp cận các thị trường khó tính trong và ngoài nước. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 1.339 tài khoản hệ thống, với 236 tài khoản quản lý, 1.103 tài khoản vận hành và 2.630 mã QR-code cho các sản phẩm nông sản, thuỷ sản.
Chất lượng sản phẩm OCOP liên tục được rà soát, đánh giá định kỳ để loại bỏ những sản phẩm không còn đáp ứng tiêu chuẩn. Như năm 2023, tỉnh đã mạnh dạn loại 73 sản phẩm OCOP chất lượng thấp, mở đường cho những sản phẩm mới có tiềm năng phát triển thành OCOP 5 sao.
Việc liên tục có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia trong thời gian vừa qua đã khẳng định nỗ lực của Quảng Ninh trong hành trình nâng tầm thương hiệu địa phương. Sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được định vị là biểu tượng của chất lượng, uy tín và bản sắc vùng miền. Với quyết tâm cao của tỉnh và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, HTX và người dân, các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã và đang khẳng định được vị thế không chỉ trên thị trường nội địa mà còn từng bước thâm nhập thị trường quốc tế.