Vậy là cuối cùng, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc. Ngọn đuốc Olympic đã được thắp sáng vào tối 23/7 và được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Tất nhiên, trong bối cảnh Covid-19 bủa vây như hiện nay, lễ khai mạc Olympic Tokyo đã bớt nhiều sự hoành tráng như nó đã từng…
1. Lẽ ra, Olympic Tokyo 2020 đã diễn ra từ tháng 7 năm ngoái - giống như EURO 2020 - nhưng dịch Covid-19 đã khiến Ban tổ chức (BTC) phải hoãn lại. Cho tới năm nay, dù dịch bệnh vẫn còn, và trong thời gian qua, vẫn xuất hiện người dương tính với SASR-CoV-2 ở Nhật Bản, nhưng Olympic Tokyo vẫn được tổ chức. Tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 12/7 cho đến ngày 22/8/2021 để phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Trong bối cảnh như thế, BTC đã phải thắt chặt các phương án để phòng chống dịch bệnh một cách chặt chẽ nhất.
Đây được xem là một kỳ thế vận hội đáng nhớ nhất trong lịch sử các kỳ thế vận hội.
Lễ khai mạc diễn ra tại sân vận động quốc gia ở Shinjuku, có sức chứa 68.000 chỗ ngồi và tốn khoảng 1,4 tỉ USD chi phí. Lễ khai mạc kéo dài hơn thường lệ khoảng 30 phút (tổng cộng 210 phút thay vì 180 như trước) để các vận động viên (VĐV) có thể thực hiện sự giãn cách cần thiết. Bên cạnh đó, mỗi đoàn thể thao chỉ được chọn 6 VĐV diễu hành (3 nam 3 nữ) cùng các VĐV cầm cờ, số còn lại sẽ ngồi trên khán đài.
Dù đã hạn chế, nhưng theo con số thông kê, đã có hơn một vạn người - bao gồm các HLV, VĐV, quan chức đến từ 206 đoàn cũng như khoảng các tình nguyện viên góp mặt. Số lượng đông đảo ấy đồng nghĩa với việc tạo nên sức ép với nhà tổ chức lớn nhường nào nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở Nhật Bản.
Để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm Covid-19, BTC đã phải đưa ra hàng loạt giải pháp chưa từng có tiền lệ nhằm giúp sự kiện thể thao lớn nhất thế giới diễn ra trong an toàn. Theo đó, các sự kiện thể thao ở thủ đô Tokyo và một số tỉnh lân cận diễn ra mà không có khán giả. Đồng nghĩa với điều này, là ngồn thu giảm sút. Ước tính, BTC mất đi nguồn doanh thu hơn 2 tỷ USD (trong đó doanh thu từ bán vé khoảng 820 triệu USD, doanh thu từ du khách nước ngoài khoảng 1,4 tỷ USD).
Còn đối với những thành viên tham dự Olympic cũng phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo. Trong thời gian ở Nhật Bản, việc xét nghiệm Covid-19 cũng sẽ được tiến hành mỗi ngày; các VĐV được theo dõi một cách chặt chẽ về mặt y tế. Họ phải được cấp phép nếu muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng; không được đến phòng tập thể dục, khu du lịch, cửa hàng, nhà hàng hoặc quán bar. Họ cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang mọi lúc, trừ khi thi đấu, tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ... Các vận động viên có thể buộc phải rời Olympic nếu vi phạm các nguyên tắc phòng dịch… khi Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu BTC Olympic Tokyo phạt thành viên các đoàn thể thao nước ngoài không tuân thủ các quy định phòng dịch Covid-19. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, BTC cũng cấm các VĐV ăn uống tại các nhà hàng bên ngoài làng VĐV.
Sự siết chặt này đã được hầu hết các đoàn nhiệt tình ủng hộ. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hi vọng sự thành công của Olympic Tokyo 2020 sẽ là minh chứng cho thế giới thấy những gì chúng ta có thể làm được nếu có kế hoạch và biện pháp phù hợp. “Tôi mong rằng Olympic Tokyo 2020 sẽ khơi nguồn hy vọng và sự đoàn kết, để đạt được sự công bằng về quyền tiếp cận vaccine và chấm dứt đại dịch”, ông nói.
Olympic Tokyo 2020 sẽ là Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử dùng điện thoại di động và đồ điện tử tái chế để làm huy chương trao thưởng cho các vận động viên, nhằm đề cao ý thức bảo vệ môi trường.
Ước tính, có tới 79.000 tấn hàng điện nhỏ - bao gồm 6,21 triệu điện thoại đã qua sử dụng - được tái chế thành huy chương chuẩn bị cho Thế vận hội này. Người ta phải mất 2 năm để thu thập các vật phẩm và sau đó sản xuất thành 5.000 huy chương vàng, bạc và đồng.
2. Tại Olympic Tokyo 2020, có 206 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trong đó, Macedonia đã thi đấu dưới cái tên “Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ” từ khi ra mắt vào năm 1996. Nhưng do tranh chấp đặt tên với Hy Lạp, họ đổi tên thành Bắc Macedonia hồi tháng 2/2019 và sẽ lần đầu xuất hiện ở Thế vận hội mùa hè dưới tên mới.
Vào ngày 6/4, Triều Tiên tuyên bố không tham gia Olympic Tokyo 2020 do lo ngại về Covid-19. Điều này sẽ đánh dấu sự vắng mặt đầu tiên của Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa hè kể từ năm 1988.
Olympic Tokyo 2020 là kỳ Thế vận hội mùa hè thứ 2 được tổ chức tại Nhật Bản (lần đầu là năm 1964). Các VĐV sẽ thi đấu 33 môn thể thao với 339 nội dung, 339 bộ huy chương. Bên cạnh 5 môn thể thao mới dự kiến sẽ được giới thiệu ở Tokyo, 15 nội dung thi đấu mới trong các môn thể thao hiện có cũng được lên kế hoạch, bao gồm Bóng rổ 3x3, BMX tự do và sự trở lại của xe đạp Madison, cũng như các nội dung thi đấu hỗn hợp mới trong một số môn thể thao.
Điểm đặc biệt ở kỳ Olympic này đó là huy chương vàng sẽ được làm từ kim loại tái chế từ rác thải điện tử. Sáng kiến này được IOC cũng như khán giả thế giới đánh giá cao, góp phần trong chiến dịch làm nên một Tokyo thân thiện với môi trường.
Bóng đá và bóng mềm là những môn thể thao thi đấu đầu tiên, từ ngày 21/7 - tức là 2 ngày trước lễ khai mạc. Các môn thể thao sẽ kết thúc muộn nhất vào ngày 8/8, trước lễ bế mạc.
3. Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Olympic với 43 thành viên. Tối 13/7, tại Hà Nội, Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức Lễ xuất quân Đoàn TTVN tham dự Thế vận hội Olympic lần thứ 32 diễn ra tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Trong số 43 thành viên của Đoàn có 25 cán bộ, HLV, chuyên gia và 18 VĐV của 11 môn thể thao do ông Trần Đức Phấn- Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao làm Trưởng đoàn.
18 gương mặt xuất sắc nhất của TTVN sẽ thi đấu ở 16 nội dung đơn nam, đơn nữ và một nội dung đôi nữ tại Olympic Tokyo 2020 gồm: Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi); Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ); Nguyễn Thị Thanh Thủy (judo); Hoàng Xuân Vinh (bắn súng); Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông); Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (boxing); Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ); Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo); Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung); Quách Thị Lan (điền kinh); Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo (đôi nữ rowing).