Bệnh viện Strasbourg của Pháp đang từ chối bệnh nhân. Bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện ở London phải hối hận vì chậm trễ chẩn đoán cho một bệnh nhân ung thư. Tây Ban Nha thì đang thể hiện quyết tâm ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế. Đó là những diễn biến không mong muốn tại nhiều bệnh viện ở châu Âu.
1. Trước sự lây lan chóng mặt của biến thể Omicron, một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về nguy cơ không thể cứu vãn trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe đang bị quá tải ở các nước châu Âu. Ngay cả ở Pháp, Anh và Tây Ban Nha, những quốc gia có các chương trình y tế quốc gia tương đối mạnh, cơ hội đó dường như cũng đã đóng lại.
Tiến sĩ Julie Helms, người điều hành Khu chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện Đại học Strasbourg ở miền Đông nước Pháp cho biết: “Có rất nhiều bệnh nhân mà chúng tôi không thể tiếp nhận và chính những bệnh nhân không Covid-19 là nạn nhân chính của tất cả những điều này”.
2 năm sau đại dịch, biến thể Omicron đặc biệt dễ lây lan xuất hiện đã ảnh hưởng đến các dịch vụ công ở nhiều mặt khác nhau. Tác động của biến thể này đối với các cơ sở y tế buộc nhiều nước phải đánh giá lại khả năng phục hồi của các hệ thống y tế công, được coi là cần thiết để đáp ứng khả năng cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe bình đẳng.
Theo các chuyên gia, vấn đề là có rất ít hệ thống y tế được xây dựng đủ linh hoạt để xử lý một cuộc khủng hoảng như Covid-19, trong khi các đợt lây nhiễm lặp đi lặp lại khiến mọi người quá bận tâm đến việc thực hiện các thay đổi trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
Tỷ lệ nhập viện bình quân đầu người hiện nay ở Pháp, Italia và Tây Ban Nha cao ngang ngửa với mùa Xuân năm ngoái, khi 3 quốc gia này có lệnh khóa cửa hoặc các biện pháp hạn chế khác nhau. Nhưng lần này không có khóa cửa. Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe - một tổ chức nghiên cứu sức khỏe dân số có trụ sở tại Đại học Washington dự đoán rằng, hơn một nửa số người trong khu vực 53 quốc gia của WHO ở châu Âu sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng 2 tháng tới. Trong đó cũng bao gồm các bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên tại các bệnh viện công.
Khoảng 15% trong số 13.000 nhân viên y tế của hệ thống bệnh viện Strasbourg đã nghỉ việc trong tuần này. Ở một số bệnh viện khác, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc là 20%.
Giống như ở Pháp, Omicron đang gây ra các vết nứt trong hệ thống y tế công của Anh, mặc dù biến thể này dường như gây ra bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó. Chính phủ Anh trong tháng này đã phải yêu cầu các quân nhân đến các bệnh viện ở London, bổ sung vào đội ngũ nhân viên y tế để quản lý việc tiêm vaccine và vận hành xe cứu thương.
Theo số liệu công bố tuần trước từ Dịch vụ Y tế Quốc gia, gần 13.000 bệnh nhân ở Anh buộc phải chờ trên cáng hơn 12 giờ trước khi có giường bệnh trống. Nước Anh có khoảng 5,9 triệu người đang chờ khám sàng lọc ung thư, phẫu thuật theo lịch trình và các dịch vụ chăm sóc có kế hoạch khác. Một số chuyên gia ước tính, con số đó có thể tăng gấp đôi trong ba năm tới.
2. Có năng lực để đáp ứng một sự gia tăng dịch bệnh đột biến là rất quan trọng, tuy nhiên nhiều người ở châu Âu đã ngạc nhiên khi biết quốc gia của họ thiếu điều này. Những người có thể xoay chuyển tình thế cũng chính là những người đối phó với khủng hoảng hàng ngày.
Giữa làn sóng đầu tiên vào tháng 4/2020, văn phòng WHO tại châu Âu đã đưa ra hướng dẫn cho các hệ thống y tế công cách thức xây dựng hệ thống của họ nhằm đối phó với các đợt bùng phát mới, bao gồm cả việc xây dựng một lực lượng lao động y tế tạm thời.
“Dù các quốc gia nghĩ rằng họ đã chuẩn bị tốt cho một đại dịch có thể xảy ra, nhưng thực tế không phải vậy. Vì vậy, họ đang xây dựng con tàu khi nó đã căng buồm”, Tiến sĩ David Heymann, người từng lãnh đạo Phòng các bệnh truyền nhiễm của WHO, cho biết.
Trong nhiều năm trước đại dịch, Pháp đã cắt giảm lượng giường bệnh cùng với lực lượng bác sĩ và y tá, vì vậy, việc xây dựng nó trở lại trong vài tháng là quá khó khi làn sóng dịch bệnh hiện tại đã lây nhiễm cho hàng trăm nhân y tế mỗi ngày. Ngay cả việc cho phép các nhân viên y tế dương tính với Covid-19 không có triệu chứng quay trở lại làm việc vẫn là chưa đủ.
Liên đoàn Dịch vụ y tế Quốc gia của Anh cho biết, dịch vụ y tế công cộng đã rơi vào đại dịch với tình trạng thiếu 100.000 nhân viên y tế. Trong khi đó, làn sóng đầu tiên của đại dịch đã đẩy hệ thống y tế của Tây Ban Nha đến giới hạn của nó. Các bệnh viện đã có những cách ứng biến để điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn bằng cách thiết lập ICU trong phòng mổ, phòng tập thể dục và thư viện. Tuy nhiên người dân vẫn phải chứng kiến những người cao tuổi chết trong viện dưỡng lão mà không hề được đưa đến các bệnh viện công vốn đã quá công suất.
Sau đó, chính phủ Tây Ban Nha cam kết sẽ không để tình trạng sụp đổ như vậy xảy ra nữa. Họ làm việc với các sở y tế khu vực, thiết lập cái mà các quan chức gọi là “kế hoạch co giãn” để đối phó với những thay đổi đột ngột về nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt là trong các ICU.
“Chúng ta vẫn đang ở giữa một dịch bệnh phức tạp đang thay đổi hàng ngày. Thật khó để tưởng tượng những gì cần xây dựng cho tương lai đối với các bệnh dịch khác, nhưng chúng ta sẽ phải suy nghĩ về cách tổ chức lại hệ thống chăm sóc sức khỏe”, Tiến sĩ Nicolas Lefebvre, người điều hành đơn vị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Strasbourg nói.