Trong khi một số chủ phương tiện cho rằng xe ô tô của họ chỉ đi vào làn đường do nhà nước đầu tư nên không phải trả phí, đại diện cơ quan chức năng tỉnh Nam Định giải thích đó chỉ phần tỉnh hỗ trợ thêm để hoàn thiện dự án đường BOT theo quy hoạch...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định giải thích câu chuyện đường công - đường tư với PV.
Cùng với việc phản đối Trạm thu phí Mỹ Lộc (Nam Định) lâu nay áp dụng mức thu phí cao bất thường (trên đoạn đường dài chỉ 3,9 km, các xe thuộc nhóm 1 hiện phải trả 30 nghìn đồng), những ngày qua, một số lái xe qua đây tiếp tục phản đối, không trả phí với lý do họ chỉ đi vào 2 làn đường liền kề giải phân cách được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; không đi vào các làn đường còn lại do Công ty CP Tasco đầu tư theo hình thức BOT.
Để làm rõ nội dung trên, PV Đại đoàn kết Online đã liên hệ làm việc với đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định, đại diện nhà đầu tư Tasco. Theo đó, giải thích với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định cho biết: theo quy hoạch, tuyến đường tránh TP Nam Định (dài 3,9 km, nối từ Quốc lộ 10 lên địa bàn thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc) rộng 48 m, với 6 làn xe, một giải phân cách ở giữa rộng 10,5 m...
Tuy nhiên, theo hợp đồng ký kết giữa UBND tỉnh Nam Định và nhà đầu tư Tasco vào năm 2008, về việc đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Nam Định theo hình thức BOT, nhà đầu tư Tasco chỉ làm tuyến đường này rộng 4 làn xe và một giải phân cách ở giữa rộng 20,5 m...
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, sau khi dự án đường BOT gần hoàn thành, để phát huy hiệu quả của tuyến đường, giải quyết nhu cầu cấp bách về ách tắc giao thông trên Quốc lộ 21 A (chạy song song) và để phù hợp với quy hoạch ban đầu của tuyến đường, tỉnh Nam Định có chủ trương hỗ trợ thêm ngân sách để hoàn thiện tuyến đường tránh theo quy hoạch...
Cụ thể, theo hồ sơ lưu tại Ban quản lý dự án thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, ngày 24/1/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khi ấy là ông Đoàn Hồng Phong đã ký quyết định số 161 về việc phê duyệt dự án xây dựng mở rộng mặt cắt ngang phần đường xe chạy, tuyến đường tránh TP Nam Định, đoạn từ thị trấn Mỹ Lộc tới Quốc lộ 10. Theo quyết định này, dự án thực hiện mở rộng thêm làn đường chính mỗi bên 5 m vào giải phân cách giữa so với mặt cắt ngang thiết kế của dự án đường BOT. Tổng kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ là 85,908 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, số kinh phí trên không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án BOT trên. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án, qua tổ chức đấu thầu, chính Công ty CP Tasco trúng thầu việc thi công...
Việc thực hiện dự án hỗ trợ, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định, chính quyền tỉnh vận dụng theo quy định tại các Nghị định 78, Nghị định 108 của Chính phủ (cùng về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao; Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh; Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao).
Tuyến đường Nam Định - Phủ Lý (bao gồm 3,9 km từ TP Nam Định lên thị trấn Mỹ Lộc) trong ngày thông xe.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 6 của Nghị định 108 quy định: Đối với dự án cần thực hiện để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc sử dụng công trình kết cấu hạ tầng và dự án quan trọng khác, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước để xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc thực hiện các công việc khác nhằm hỗ trợ thực hiện Dự án.
Sau khi dự án hỗ trợ hoàn thành, tuyến đường tránh TP Nam Định được tăng từ 4 lên 6 làn xe, giải phân cách ở giữa thu hẹp lại chỉ còn 10,5 m và được Sở Giao thông Vận tải Nam Định bàn giao lại cho Tasco chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng cho đến hết thời hạn thu hồi vốn...
Nhấn mạnh tính chất của việc tỉnh Nam Định bỏ ra hơn 80 tỷ đồng ngân sách để mở rộng thêm làn đường, thu hẹp giải phân cách là nhằm hỗ trợ, hoàn thiện, phát huy hiệu quả của tuyến đường tránh TP Nam Định vốn trước đó được đầu tư theo hình thức BOT, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định, đại diện Ban Quản lý dự án của Sở cùng cho rằng nếu lấy lý do chỉ đi vào làn đường đầu tư bằng nguồn ngân sách để không trả phí cho cả tuyến đường BOT là không có cơ sở.
“Một tuyến đường không chỉ có làn đường mà còn có các công trình phụ trợ, liên quan khác. Nếu không có việc mở rộng thêm làn đường, thu hẹp giải phân cách thì theo hợp đồng, nhà đầu tư vẫn có quyền thu phí để thu hồi vốn đầu tư làm tuyến đường BOT”, đại diện Ban quản lý dự án, Sở Giao thông Vận tải Nam Định nhìn nhận.
Giải thích lý do Công ty CP Tasco không đầu tư làm đủ 6 làn xe như quy hoạch của tỉnh, ông Trịnh Xuân Nam, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Tasco 6 - doanh nghiệp đang được Công ty CP Tasco (công ty mẹ) giao quản lý, vận hành Trạm thu phí Mỹ Lộc - cho biết, nếu bỏ tiền làm đủ 6 làn xe thì kinh phí đầu tư sẽ tăng lên kéo theo thời gian thu hồi vốn của Tasco sẽ lâu hơn. “Đây đơn thuần là bài toán kinh tế của nhà đầu tư”, ông Nam cho hay.
Như vậy, với những thông tin thêm từ cơ quan chức năng tỉnh Nam Định và đại diện nhà đầu tư Tasco, tuyến đường Nam Định - Phủ Lý dài 25,1 km, được hợp thành từ 3 dự án đầu tư khác nhau với 3 hình thức đầu tư khác nhau.
Theo đó, đoạn từ Quốc lộ 10 lên thị trấn Mỹ Lộc dài 3,9 km được đầu tư theo hình thức BOT; đoạn từ Mỹ Lộc lên nút giao Liêm Tuyền (Phủ Lý,Hà Nam, dài 21,2 km) được đầu tư theo hình thức BT; trong 6 làn đường của 3,9 km đường từ Quốc lộ 10 lên thị trấn Mỹ Lộc có 2 làn đường mở rộng thêm được đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh Nam Định...
Liên quan đến ý kiến phản đối của một số lái xe, cho rằng mức phí Trạm BOT Mỹ Lộc đang áp dụng thu quá vô lý, sáng ngày 25/7, thông tin với PV Đại Đoàn Kết Online, ông Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết tới đây UBND tỉnh sẽ đàm phán với nhà đầu tư theo hướng giảm mức thu phí tại đây...
Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh, từ ngày 10/2 đến nay, mỗi lần đi qua Trạm thu phí Mỹ Lộc (Nam Định), các xe thuộc nhóm một phải nộp 30 nghìn đồng/lượt; xe nhóm hai 40 nghìn đồng/lượt; xe nhóm ba 60 nghìn đồng/lượt; xe nhóm bốn 100 nghìn đồng/lượt; xe nhóm năm 160 nghìn đồng/lượt.