Căn cứ trên nội dung tinh giản chương trình và đề thi tham khảo Bộ GDĐT đã công bố, nhiều nhà trường và các giáo viên đã chủ động lên kế hoạch dạy học, bồi dưỡng cho các sĩ tử đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng THPT quốc gia sắp tới.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù đề thi tham khảo có phần dễ thở hơn nhiều so với các năm trước nhưng các em không nên chủ quan, lơ là việc học. Cần đẩy độ chăm “kịch khung” để không lãng phí thời gian này.
Thi THPT quốc gia.
Đủ thời gian để dạy và ôn tập
Đó là khẳng định của cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn tại Hà Nội về nội dung điều chỉnh môn học Ngữ văn lớp 12. Cụ thể, cô Tuyết cho biết đợt điều chỉnh nội dung chương trình học vừa qua là đợt giảm sâu chưa từng có trong lịch sử, nhưng là sự điều chỉnh cần thiết. Vì chương trình trước đó được xây dựng mở rộng theo hướng đồng tâm nâng cao, nên phần tinh giản về cơ bản rơi vào phần mở rộng nên không ảnh hưởng nhiều lắm đến mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực của học trò trong quá trình dạy học. Nhìn vào chương trình môn Ngữ văn lớp 12, sau khi đã được điều chỉnh nội dung, nhiều bài học, phần nội dung liên quan đến các tác phẩm Rừng Xà Nu, Ông già và biển cả, Những đứa con, Trong gia đình được Bộ GDĐT đưa vào danh mục tinh giản, điều này cũng đồng nghĩa với các đề thi kiểm tra, đánh giá năm nay sẽ không rơi vào các nội dung này.
“Chỉ cần khoảng 1 tháng đến 1,5 tháng là thầy trò chúng tôi có thể hoàn hành chương trình môn Ngữ văn đã tinh giản” – cô Trịnh Thu Tuyết cho biết.
Chia sẻ thêm, cô Tuyết cho rằng quỹ thời gian 120’ của bài thi Ngữ văn chia thành 2 phần là đọc hiểu và làm văn. Trong đó, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội về cơ bản là những kỹ năng kiến thức đã được giáo viên cung cấp cho học trò suốt trong quá trình học THPT. Vì thế, các em cũng rất quen thuộc và không lúng túng dù chương trình thay đổi như thế nào. Bởi phần tinh giản ở đây chủ yếu rơi vào phần kiến thức sẽ áp dụng trong câu nghị luận văn học.
Với những sĩ tử áp dụng tổ hợp C00, việc tinh giản kiến thức môn Lịch sử nhận được rất nhiều sự quan tâm. Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), nhiều kiến thức của môn học này được chuyển sang phần tự học, tự tìm hiểu. Thầy Hiếu phân tích: Trong chương trình thi THPT Quốc gia, trọng tâm môn Lịch sử rơi vào lớp 12. Mà trong lớp 12, giai đoạn nhiều kiến thức sự kiện nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến khi kết thúc chương trình nên sự giảm tải đó khiến học sinh bớt lo lắng, giúp học sinh có nhiều thời gian hơn trong việc tập trung học và ôn thi hiệu quả hơn đối với chương trình lớp 12.
Riêng với môn Toán, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng phần giảm tải không nhiều do tính liền mạch của nội dung. Cụ thể, về phần kiến thức, Bộ tinh giản phần thể tích khối tròn xoay và tập trung vào một số hoạt động nhỏ giao cho học sinh tự học có hướng dẫn, thứ hai là không yêu cầu chứng minh một số tính chất, định lý. Đây là những việc nhỏ trong một nội dung lớn nên thực tế lượng kiến thức hầu như không thay đổi gì. Học sinh vẫn cần tập trung ôn tập, làm đề theo đúng lộ trình đã lên trước đó.
Với môn Tiếng Anh, cô Nguyễn Thành Hương giáo viên môn Tiếng Anh Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng khối lượng kiến thức được tinh giản vốn lâu nay không xuất hiện trong đề thi. Trên thực tế, đề thi tham khảo cũng không có những phần này. Ngoài kỹ năng nghe thì phần viết đoạn văn là kỹ năng khó nhất cũng được giảm nhẹ để học sinh tập trung vào các kiến thức ngữ pháp và từ vựng trong mỗi bài. Vì vậy, trong giai đoạn trước mắt các em cần tập trung học kiến thức sát sườn hơn và luyện kĩ năng cần thiết để tham gia kỳ thi.
Không chủ quan
Với nhiều nội dung được tinh giản nhưng tính hệ thống vẫn đảm bảo, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng các nhà trường sẽ giảm được gánh nặng về giảng dạy và học sinh sẽ chủ động được việc học trực tuyến cũng như tự học trên văn bản sách giáo khoa. Tuy nhiên, học sinh lớp 12 cần lưu ý, thông báo giảm tải này chỉ tinh giản kiến thức ở học kỳ II còn kiến thức học kỳ I là không thay đổi, các em cần có sự cập nhật liên tục các chương trình dạy học trực tuyến. Điều quan trọng nhất là ý thức thái độ tinh thần học tập của các em. Cần có sự tập trung cao độ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường, giữa thầy cô giáo chủ nhiệm với học sinh, giữa thầy cô các bộ môn với học sinh.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, ở hầu hết các môn, đề thi tham khảo đều nhẹ hơn năm ngoái. Tuy nhiên, học sinh cần hết sức lưu ý dù đề không rơi vào phần giảm tải nhưng kiến thức bao giờ cũng liên quan, nên có những nội dung thuộc về kiến thức ở nhà, học sinh không thể bỏ qua. Và đề có những điểm móc xích trong nội dung kiến thức đó, giáo viên cần có kế hoạch hướng dẫn để học sinh ôn tập tại nhà hoặc rà soát lại phần nội dung này khi đi học trở lại.
Chia sẻ quan điểm này, thầy Trần Mạnh Tùng lưu ý thêm với các sĩ tử lớp 12 cần ổn định tư tưởng trước rất nhiều thông tin nhiễu loạn hiện nay. Nếu không có gì thay đổi, kịch bản năm học vẫn kết thúc trước 15/7 như Bộ GDĐT đã công bố trước đó thì các em học sinh lớp 12 vẫn còn khoảng 20 ngày ôn tập để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Nhưng ngay từ bây giờ, các em có thể bắt đầu tiến hành làm các đề thi thử. Ví dụ, mỗi tuần, mỗi môn các em làm 1 đề. Cuối cùng là cần đẩy độ chăm kịch khung để không lãng phí thời gian khi chúng ta nghỉ dịch, tận dụng thời tiết còn đang tương đối thuận lợi.
Về phía Bộ GDĐT, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh đề nghị các nhà trường, đặc biệt là giáo viên và học sinh phân tích kỹ đề tham khảo từ đó xác định được nội dung nào cần chú trọng nhiều hơn, đảm bảo dạy học đầy đủ kiến thức theo tinh thần tinh giản chương trình. Cục trưởng đặc biệt nhấn mạnh không cắt bỏ chương trình một cách cơ học để ảnh hưởng đến học sinh.
“Chắc chắn những nội dung được tinh giản sẽ không đưa vào đề thi. Còn nội dung kiến thức của học kỳ I và học kỳ II còn lại đề nghị học sinh ôn tập để có những chuẩn bị tốt nhất bước vào kỳ thi tới”- ông Mai Văn Trinh lưu ý.