Doanh nhân Tạ Đức Quyết, ông chủ của Bến cảng cao cấp Ao Tiên mới được khánh thành, chính thức đi vào hoạt động từ 1/3, cho rằng: Mục đích xây dựng cảng để phục vụ du lịch, nhưng chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho dân các tuyến đảo Vân Đồn, Cô Tô đi qua cảng.
Liên quan đến mối lo ngại của các chủ tàu phục vụ dân sinh các tuyến đảo thuộc huyện Vân Đồn, Cô Tô về các khó khăn phát sinh khi thực hiện di chuyển sang cảng cao cấp Ao Tiên, đồng thời kiến nghị về việc duy trì hoạt động của cảng Cái Rồng, ngày 27/2, UBND huyện Vân Đồn đã tổ chức cuộc đối thoại lần thứ 2 với các chủ tàu. Bên lề cuộc đối thoại này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, chủ đầu tư dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn.
Ông Tạ Đức Quyết:
Trước khi đưa Bến cảng cao cấp Ao Tiên đi vào hoạt động, chúng tôi đã công khai rộng rãi trước công chúng các thông tin di chuyển hoạt động phương tiện thuỷ vận chuyển khách từ cảng Cái Rồng sang cảng cao cấp Ao Tiên theo chủ trương của UBND tỉnh và kế hoạch của UBND huyện Vân Đồn. Đại đa số các chủ tàu lớn rất hoan nghênh, ủng hộ, tuy nhiên một số chủ tàu nhỏ hoạt động ở cảng Cái Rồng đã lâu, họ quen với nếp cũ, không muốn thay đổi. Chúng tôi cũng rất thông cảm, đồng hành cùng huyện tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu.
Cho đến ngày 27/2, sau cuộc họp cuối cùng thì các nút thắt đã được tháo gỡ. Cảng khách Cái Rồng tạm thời hoạt động song song, trong một ngày gần đây tỉnh sẽ thu hồi về cho huyện quản lý, theo quy hoạch thì cụm cảng Cái Rồng sẽ được định hướng chức năng, tính chất là cảng chuyên dụng theo hướng là cảng cá loại II kết hợp cảng hàng hóa. Điều này đồng nghĩa với việc cảng du lịch tại Cái Rồng sẽ không hoạt động nữa. Ngay trong cuộc họp, huyện đã tuyên truyền cho bà con nắm được chương trình đó và bà con cũng đã đồng thuận sẽ về bến cảng mới Ao Tiên.
PV: Bến cảng cao cấp Ao Tiên là bến cảng chuyên biệt phục vụ hành khách, trong đó chủ yếu là khách du lịch. Nhưng đối với người dân đảo, việc đi lại vào đất liền thường kết hợp với vận chuyển hàng hóa phục vụ dân sinh. Cảng Ao Tiên sẽ giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?
Ông Tạ Đức Quyết:
Đối với người dân các xã đảo, việc đi lại ít nhiều sẽ kèm theo hàng hóa. Về nguyên tắc thì cảng Ao Tiên không được phép phục vụ loại hình này, tuy nhiên chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa bằng cách lập luồng tuyến riêng. Về hàng hóa, người dân chỉ được mang theo những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, cấm tuyệt đối các chất cháy nổ như gas, xăng, dầu…
Ngoài ra, chúng tôi còn có cơ chế hỗ trợ đối với 5 tuyến đảo thuộc huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Đó là toàn bộ nhân dân, công chức, viên chức, công an và quân đội đều được miễn phí qua cảng trong 1 năm.
PV: Quan điểm của ông thế nào về việc duy trì song song 2 cảng Ao Tiên và Cái Rồng?
Ông Tạ Đức Quyết:
Tôi cho rằng việc duy trì đồng thời cả 2 cảng này là rất quan trọng. Bởi vì khi cảng khách mới Ao Tiên đi vào hoạt động, nó đồng nghĩa với hạ tầng và nơi cư trú của dân sẽ đông lên. Thế thì các tàu tôm, cua, cá, ghẹ về cảng hàng hóa dịch vụ mới có đủ nguồn thực phẩm đáp ứng cho người lưu trú tại đây. Nếu phát huy tối đa cảng dịch vụ hậu cần này, tôi nghĩ sẽ mang lại giá trị to lớn cho Vân Đồn.
Vì thế cần phải hoạt động song song 2 cảng, phân khúc ra, cảng nào phục vụ riêng đối tượng của cảng ấy, thì mới đáp ứng được tất cả các nhu cầu của cuộc sống đang ngày càng tăng trưởng.