Ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ vào trưa ngày 20/1 (giờ địa phương) tại tòa nhà Quốc hội Mỹ (tức rạng sáng ngày 21/1 giờ Việt Nam). Sự kiện đặc biệt này thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.
Theo kế hoạch, Phó Tổng thống đắc cử J.D Vance sẽ tuyên thệ nhậm chức trước, sau đó đến ông Trump. Tiếp theo, ông Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 2. Trước đó, bài phát biểu nhậm chức năm 2017 của ông Trump dài khoảng 16 phút còn ông Biden phát biểu hơn 20 phút khi nhậm chức năm 2021.
Ủy ban Quốc hội về lễ nhậm chức của ông Trump đã cung cấp một số lượng vé hạn chế cho công chúng thông qua các thành viên Quốc hội. Tấm vé miễn phí này cho phép người sở hữu theo dõi buổi lễ tại khuôn viên tòa nhà Quốc hội Mỹ khi Tổng thống và Phó Tổng thống tuyên thệ. Sau buổi lễ, tân Tổng thống và Đệ nhất phu nhân sẽ đến Nhà Trắng sau khi người tiền nhiệm Joe Biden rời đi.
Phu nhân Melania chia sẻ với hãng tin Fox News rằng bà đã thiết kế xong không gian riêng tư trong Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ hai của chồng mình. Theo bà, lần thứ hai trở thành chủ nhân nhà Trắng là “một sự chuyển giao rất khác”.
Ngày 18/1, truyền thông Mỹ cho biết, lễ nhậm chức của ông Trump sẽ diễn ra bên trong Điện Capitol thay vì ở ngoài trời vì thời tiết lạnh giá. Như vậy, lần đầu tiên sau 40 năm, lễ nhậm chức của một Tổng thống Mỹ sẽ được chuyển vào trong nhà.
Lần cuối cùng một lễ nhậm chức được chuyển vào trong nhà vì thời tiết lạnh giá là vào năm 1985 trong lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Ronald Reagan. Vào thời điểm đó, nhiệt độ buổi chiều đã giảm xuống âm 23 độ C. Trong khi đó, dự báo thời tiết ở thủ đô Washington trong ngày 20/1, vào thời điểm ông Trump tuyên thệ nhậm chức, là khoảng âm 7 độ C.
Ông Trump là người cao tuổi nhất trong lịch sử nhậm chức Tổng thống Mỹ khi ở tuổi 78 và 220 ngày. Ông lớn hơn ông Biden 5 tháng tuổi khi nhậm chức vào năm 2021.
Dự kiến, trong lần này, ông Trump sẽ nói về một số sáng kiến chính sách mà ông đã cam kết thực hiện ngay khi nhậm chức, bao gồm đóng cửa biên giới phía Nam, khởi động chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ, ân xá cho những người liên quan đến cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 đang bị giam giữ hoặc đối mặt với các vụ kiện. Chưa rõ liệu lời hứa của ông về một loạt sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu tiên có được đề cập trong bài phát biểu này hay không, nhưng nhiều khả năng ông Trump sẽ hành động nhanh chóng để làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, mặc dù gần đây ông đã kéo dài thời gian giải quyết xung đột từ 1 ngày lên 6 tháng. Bên cạnh đó, “hồ sơ Trung Đông” cũng sẽ được ông Trump đề cập.
Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng dư luận rất quan tâm tới quan điểm kinh tế của ông Trump. Với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và xây dựng nước Mỹ trước tiên, Nhà Trắng sẽ vẫn coi Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là đối thủ chiến lược hàng đầu. Nhiều khả năng trong nửa đầu nhiệm kỳ, cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục được duy trì và đẩy tới với việc Washington đẩy mạnh cạnh tranh kinh tế, thương mại, chuỗi cung ứng, áp đặt thuế quan, bảo hộ. Chính quyền của ông Trump cũng được cho là sẽ cứng rắn hơn về thuế nhập khẩu vào Mỹ với nhiều nước.
Với các thể chế đa phương, Mỹ có thể rút khỏi một số cơ chế cho là không hiệu quả, đồng thời sẽ có tiếng nói cứng rắn hơn tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Về các vấn đề toàn cầu, chính quyền ông Trump có khả năng sẽ đảo ngược một số cam kết của chính quyền tiền nhiệm, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.
Riêng với khu vực châu Âu, giới phân tích nhận định xu hướng tăng giá gần đây của đồng USD có thể khiến các đồng tiền của khu vực này giảm giá trong năm 2025. Hiện đồng euro đã rớt dưới ngưỡng 1,02 USD đổi 1 euro, thấp nhất từ tháng 8/2022. Đồng bảng Anh có lúc giảm còn hơn 1,21 USD đổi 1 bảng, thấp nhất kể từ đầu năm 2023.
Theo nhà phân tích Bartosz Sawicki của Công ty Conotoxia, đồng USD sẽ duy trì xu hướng tăng giá trong ngắn hạn sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng và các đồng tiền của châu Âu sẽ khó hồi phục. “2 quý tới đây có thể là khoảng thời gian khó khăn cho cả đồng euro và đồng bảng. Hai đồng tiền này có thể khó thu hút nhà đầu tư và dòng tiền, do có khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Trump” - Tiến sĩ Bartosz nói với CNBC hôm 19/1.
Trong khi đó, ông George Saravelos - Trưởng nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của Deutsche Bank cho rằng, chinh sách tài chính và thương mại của ông Trump nhiều khả năng làm kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng cao. Và cũng chính vì thế mà “các nền kinh tế khác cần sớm có cách ứng phó thích hợp nếu không muốn bị tụt lại”.
Ông David Solomon - CEO Ngân hàng Goldman Sachs nhận xét, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ sớm thực thi những chính sách có tác dụng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ông Solomon nói “rất lạc quan” nhưng với các chính sách khác mà chính quyền sắp tới đang nói đến thì vẫn phải chờ xem họ thực thi thế nào. Ông Solomon đề cập tới việc ông Trump đe dọa áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu và thắt chặt kiểm soát người nhập cư và cho rằng sẽ phải theo dõi rất cẩn trọng xem tương quan ảnh hưởng giữa các chính sách đó ra sao.