Từ chỗ thiếu ăn quanh năm, đến nay, cựu chiến binh, bệnh binh Nguyễn Đình Hải, trú xã Điền Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã có thể thay đổi cuộc sống của gia đình mình với một cơ ngơi khang trang. Ông là tấm gương vượt khó cho nhiều hộ gia đình khác trong khu vực noi theo.
Ông Hải bên vườn cây thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao của gia đình.
Chúng tôi ngược miền Tây xứ Thanh đến huyện Bá Thước ngay sau khi cơn lũ vừa đi qua. Dọc đường, dấu tích kinh hoàng của đợt lũ vẫn còn in hằn trên vách tường các ngôi nhà, ruộng vườn và cả trong đáy mắt còn chưa hết vẻ thảng thốt của bà con nhân dân. Trong nắng mới lên, người dân đang tất bật thu dọn lại những đổ nát sau lũ, ổn định lại đời sống sau lũ. Trong trận lũ vừa qua, may mà vườn thanh long ruột đỏ đang độ đâm chồi mới của gia đình ông Hải không bị ảnh hưởng nhiều.
Gặp chúng tôi khi đang giăng lưới, che cho vườn cây, ông Hải cười xởi lởi, nói: “Cũng may trời còn thương, nước lũ chưa bén đến, chứ không là trắng tay rồi!”
Vừa đưa ngọn kéo cắt tỉa chồi cây, ông Hải vừa kể cho chúng tôi nghe về hành trình mưu sinh – mà theo ông, hành trình ấy gian nan không kém gì thời còn trong cuộc chiến. Năm 1990, ông xuất ngũ và chọn quê vợ để lập nghiệp. Ông cùng vợ nguyên là công nhân lâm trường Bá Thước nhận 3 ha đất trống đồi trọc ở sườn núi Hang Khơn để đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại. Trồng luồng kết hợp với canh tác cây nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng “lấy ngắn, nuôi dài”.
Tuy nhiên, với mô hình này, gia đình ông và bà con trong thôn chỉ có thể đủ ăn chứ không thể làm giàu. Làm sao phải có “bát ăn, bát để” trên chính đồng đất quê mình, luôn là câu hỏi thường trực.
Và ông đã tìm đến các Trung tâm giống cây trồng trên toàn tỉnh, tìm và đưa về giống cây có tiềm năng cho giá trị kinh tế cao hơn. Được giới thiệu về tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ của đồng đội ở huyện Thạch Thành, ông quyết định mua về và trồng thử nghiệm trong vườn nhà.
Để cây phát triển tốt nhất, ông đã tìm hiểu thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc thanh long ruột đỏ qua các phương tiện thông tin đại chúng; thức khuya, dậy sớm chăm sóc cây trồng. Vườn thanh long của ông được trồng trên 1 ha đất chân núi, tựa vào tường rào. Cùng với đó, ông cho kết hợp trồng xen bưởi, na, chanh để che nắng cho thanh long.
Sau nhiều khổ cực, đến đầu năm 2018, vườn cây thanh long đã cho gia đình ông thu hoạch hơn 10 tấn quả chất lượng cao. Giá bình quân hơn 20 nghìn đồng/kg. Ngoài cây thanh long, vụ đông xuân ông Hải còn trồng dưa chuột trên 2,5 sào đất bãi sau nhà cho thu nhập gần 40 triệu đồng. Mô hình trang trại tổng hợp đem lại doanh thu khoảng 350 triệu đồng/năm, trong đó riêng thanh long ruột đỏ cho thu nhập 150 triệu đồng/ha.
Để hỗ trợ cho bà con trong xã, ông Hải đã không ngần ngại cung ứng giống thanh long và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Không dừng lại ở đó, ông Hải đã cùng 60 thành viên tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, trợ giúp nhau phát triển các mô hình kinh tế trang trại gắn với thực hiện tái cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, sản xuất hóa tập trung, quy mô lớn. Đến nay, xã Điền Trung và huyện Bá Thước đã có 13 trang trại tổng hợp trồng cây thanh long ruột đỏ và các cây trồng ngắn ngày cho năng suất cao.
Nói về ông Nguyễn Đình Hải với vai trò là thành viên của MTTQ xã Điền Trung trong việc vận động, hỗ trợ, động viên người dân trong xã tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ông Bùi Minh Hiền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bá Thước cũng không giấu được niềm tự hào của mình.
Ông Hiền cho biết: “Là thành viên của MTTQ, bác Hải đang là tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Sắp tới, chúng tôi sẽ lấy mô hình cây thanh long ruột đỏ này nhân rộng thêm trên địa bàn toàn huyện. Hi vọng, đây sẽ là hướng đi mới để giúp đồng bào miền núi thoát nghèo bền vững.”