Người ta thi nhau phá rừng, ông cặm cụi đi trồng lại rừng...
“Người ta phá rừng lấy gỗ, phá rừng làm rẫy và nguy hiểm hơn là phá rừng để trồng cây anh túc… Nóng ruột quá, mình phải trồng lại rừng thôi” - ông Vừ Vả Chống, người đã gần 20 năm qua miệt mài trồng nên cánh rừng pơ mu nức tiếng, tâm sự.
Chuyện ông Vừ Vả Chống ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) miệt mài trồng rừng được nhiều người kể vanh vách. Họ nói đã có người từ Hà Nội ngã giá những 21 tỉ đồng nhưng ông không bán. Họ còn nói ông khôn lắm để bán từng cây sẽ được nhiều tiền hơn… Nghe vậy ông chỉ cười, thủng thẳng: Cả rừng cũng không bán, một cây cũng không bán!
Giấc mơ pơ mu
Bên gốc cây pơ mu mỡ màng, ông nói về những năm tháng trước đây, rừng Huồi Tụ tan hoang, về mơ ước một cánh rừng pơ mu trên quê hương mình. “Năm 1984, tôi đi bộ đội, được biên chế về Huyện đội Kỳ Sơn. Hồi đó bọn phỉ còn hoạt động ráo riết, chúng tôi phải luồn rừng để tiêu diệt chúng. Tôi đã gặp những cánh rừng pơ mu ngút ngàn, có cây phải hai người ôm mới xuể. Ước gì quê mình cũng có những cánh rừng như thế. Mong ước ấy cứ hiển hiện trong tôi. Hết nghĩa vụ, về quê, đau lòng quá, những cánh rừng quê mình đâu còn nữa. Người ta thi nhau phá rừng. Thứ thì phá rừng lấy gỗ, thứ thì làm nương rẫy và nguy hiểm hơn người ta phá rừng để trồng cây anh túc” - ông kể.
Ông gặp chính quyền xã xin nhận vùng núi trọc Au Tiên để sản xuất. Ba năm đầu tiên, ông chỉ trồng mỗi cây chè xanh và nuôi gà. Khi chè đã cho thu hoạch, tiền bán chè, bán gà, ông đi mua cây giống pơ mu và sa mu về trồng.
“Lứa đầu tiên thất bại nặng nề, hơn 3.000 cây giống bị chết phân nửa” - ông Vừ Vả Chống nhớ lại. Thế mà ông vẫn không bỏ cuộc, khăn gói sang xã Tây Sơn để học hỏi về kỹ thuật trồng cây. Thì ra do ông đào lỗ nhỏ quá, đất không có độ tơi xốp nên cây bị bó rễ mà chết. Ngoài ra, phải lấy cỏ khô tấp vào gốc để giữ ẩm cho cây… Sau thời gian tầm sư học… trồng cây, được “sáng mắt, sáng lòng”, ông lại tiếp tục.
Biết tôi băn khoăn về nguồn sống của gia đình, ông nói tuột luôn: “Lấy ngắn nuôi dài. Cây pơ mu lớn lên trở thành cây che nắng, chắn gió cho cây chè, cùng với thả 500 con gà mỗi năm, nhà mình không còn phải lo cái đói nữa”.
Đến Au Tiên ngỡ như cảnh tiên
“Lên Au Tiên đừng đi xe máy, đi bộ mới thấy hết cái đẹp” - ông Dành Bá Lồng, Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, đã khuyên tôi như thế. Đúng như lời ông chủ tịch trẻ, đi bộ tuy có mệt nhưng quả là mới cảm hết… cảnh tiên.
Đường lên Au Tiên cũng không đến nỗi nào. Chủ nhân đã rải đá cấp phối để ô tô có thể lên đến đỉnh núi. Nhưng đừng đi ô tô. Hãy thả bộ để được nghe tiếng rì rào của những cành pơ mu lá kim nhọn hoắt; để được thấy ráng chiều xuyên qua tán lá lấp lánh, chẳng khác gì mùa thu châu Âu.
Ông Vừ Vả Chống cho biết đã có rất nhiều đoàn khách đi phượt đến đây cắm trại. Ông không thu tiền của họ, chỉ yêu cầu giữ gìn vệ sinh. Còn các cháu trong vùng tổ chức sinh nhật thì gần như tuần nào cũng có mấy cuộc. Ông cũng dành một khoảng đất rộng làm sân vận động cho thanh niên trong xã đá bóng, cho bà con sinh hoạt cộng đồng.
“Đã có người ngã giá cho khu rừng này, nhiều tiền lắm nhưng mình không bán đâu. Lại có người hỏi mua gỗ, mình cũng không bán. Gần 20 năm trồng, chăm sóc, mỗi cái cây lớn lên như một người bạn của mình, bán đi thì tiếc lắm” - ông Chống tâm tình. Ngoài ra, ông cũng cho biết đã có nhiều bà con học theo ông, trồng rừng pơ mu, sa mu. Ông sẵn sàng bày cho họ kỹ thuật, cung cấp cây giống giá rẻ… chỉ với mong muốn ngày càng có nhiều khu rừng như thế này.
Hơn 30 hộ dân đã làm theo ông Vừ Vả Chống
Ông Dành Bá Lồng, Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, cho biết sau thành công của ông Vừ Vả Chống, rất nhiều bà con đã noi theo trồng rừng. Tuy diện tích rừng trồng của các hộ chưa nhiều nhưng đã có hơn 30 gia đình thực hiện. Mừng là ông Chống không giấu nghề, mà nhiệt tình giúp đỡ bà con kể cả kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc và cây giống.