Để nhìn sâu nhiều khía cạnh, nguồn cơn của câu chuyện giải cứu nông sản, chúng tôi đã trao đổi với chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú. Ông là người đầu tiên đưa hệ thống siêu thị vào thị trường Việt Nam và là người có tâm huyết và đau đáu với câu chuyện giải cứu nông sản nhiều năm nay.
PV:Thưa ông, ông bình luận gì về hoạt động giải cứu nông sản cho bà con Hải Dương những ngày gần đây?
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú: Câu chuyện giải cứu nông sản đã trở thành câu chuyện của 10 năm nay, tuy nhiên dưới tác động của dịch Covid-19 thì trở nên căng thẳng hơn hết vì xuất hiện câu chuyện “ngăn sông cấm chợ”. Bà con mua không phải vì giá rẻ, đây chỉ là một yếu tố, mà quan trọng là tính chia sẻ cộng đồng rất cao,tính gắn kết đáng ghi nhận. Mỗi ngày bán hàng chục nghìn quả trứng và hàng chục tấn rau quả là rất đáng mừng trong bối cảnh 70% rau quả Hải Dương là để xuất khẩu quả cửa khẩu Hải Phòng đang bị ách tắc.
Tuy nhiên, câu chuyện giải cứu cũng phản ánh một thực tế là chúng ta cũng còn nhiều yêu cầu rườm rà khiến cho việc giải cứu cũng bị chậm lại. Ví dụ: hàng hóa từ Hải Dương lên Hà Nội phải qua tới 10 trạm kiểm dịch, như vậy thì làm chậm đi quá trình tiêu thị, gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa…
Hoặc như câu chuyện của tỉnh lân cận Hải Phòng. Chúng ta rất thông cảm vì trong điều kiện dịch bệnh thì ai cũng muốn kiểm soát chặt chẽ nhưng trong khi Hà Nội tổ chức hàng chục điểm tập kết tiêu thụ hàng hóa thì Hải Phòng lại gây khó dễ và quá khắt khe với những yêu cầu không thực tế.
Trên hết tôi cho rằng trong câu chuyện này rất cần tính quyết đoán và tính chia sẻ của đội ngũ lãnh đạo vì những người làm ra của cải vật chất cho xã hội.
Theo ông, vai trò của cơ quan quản lý, các Hiệp hội ngành hàng trong câu chuyện giải cứu này?
- Trong câu chuyện giải cứu nông sản cho Hải Dương lần này, tôi cho rằng vẫn tái diễn tình trạng siêu thị, hệ thống bán lẻ vào cuộc chậm. Bộc lộ rõ sự quan liêu, hành chính, trong khi với vấn đề cấp bách như vậy cần có phải có sáng kiến và sự tận tâm, sát sao của người làm thương mại.
Hệ thống phân phối quốc gia có vấn đề, bị chia cắt. Lâu nay, việc đưa hàng hóa vào siêu thị vô cùng khó khăn nếu không nói là bất khả thi với nông dân, thậm chí với không ít doanh nghiệp do nhưng yêu cầu vô lý như báo chí đã từng nêu. Ví dụ câu chuyện của vùng cá sạch Đại Áng. Siêu thị chỉ chấp nhận cho ký gửi, thanh toán sau 3 tháng và chiết khẩu 30% khiến người nông dân nuôi cá không có cách gì để chấp nhận cho câu chuyện đưa sản phẩm của mình vào được siêu thị.
Hay như tôi thấy lãnh đạo Hà Nội tuyên bố sẽ tổ chức giết mổ 700.000 con gia cầm tiêu thụ cho Hải Dương, nhưng đến thời điểm này chưa thấy kết quả. Cho nên tôi cho rằng vấn đề là phải tổ chức thực hiện, phải làm bài bản. Ngành công thương phải nắm lấy vai trò nhạc trưởng.
Thủ tướng chỉ đạo chúng ta phải sản xuất hàng sạch và nâng chất lượng của sản phẩm, tuy nhiên theo thống kê mới chỉ có 10% hàng hóa nông sản vào được siêu thị, còn lại 93% hàng hóa vẫn trôi nổi ngoài thị trường, sạch bẩn lẫn lộn. Nên mục tiêu chúng ta phải giải tỏa được hàng hóa.
Theo ông đâu là giải pháp cấp bách cho câu chuyện giải cứu nông sản đang đặt ra hiện nay?
- Lâu nay, chúng ta vẫn chăm chút đến khâu sản xuất nhưng khâu phân phối lại ách tắc. Quan trọng nhất là cần phải làm bài bản hơn, để khi có dịch hay không có dịch chúng ta cũng giải quyết được tình huống để hàng hóa của bà con có thể lưu thông thông suốt và đỡ thiệt hại.
Bài toán lâu dài là các doanh nghiệp, HTX phải vào cuộc để giải quyết đầu ra cho nhóm hàng nông sản thực phẩm với khối lượng sản xuất cung ứng lớn như hiện nay trong bối cảnh hay bị hư hỏng, ít chế biến sâu, hiệu quả thấp và không có kho bảo quản. Và câu chuyện đích đến là phải tạo ra giá trị gia tăng cho người nông dân. Đó mới là câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững.
Còn đối với người nông dân thì họ cần phải tìm được tiếng nói chung, để cùng khắc phục sự thua thiệt về mạng lưới, sự kết nối và trọng tài trong các câu chuyện
Khi việc tranh chấp xảy ra liên quan đến khâu phân phối, đầu ra cho sản phẩm.
Xin cám ơn ông!