Trước đây, nhiều người viện đủ lý do để không làm việc online (trực tuyến). Nhưng từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hình thức online đã phát huy tác dụng.
Trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ 4 xuất hiện từ cuối tháng 4 và kéo dài tới ngày nay, đời sống văn hóa đã có sự thích ứng với những hoạt động online.
1. Có thể nhận thấy sự dịch chuyển rất nhanh của nhiều loại hình nghệ thuật. Trong đó, đáng chú ý là sự xoay trục của giới xuất bản. Trước đây, người ta vẫn quen với xu hướng đi nhà sách để vừa chọn sách, vừa uống cà phê; thậm chí mỗi năm rình rang gần chục hội sách lớn nhỏ…
Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, những hội sách thưa hẳn, và hình thức trực tuyến trở nên hữu hiệu. Tất nhiên, đây là một cách thích ứng với thời cuộc, và mỗi hình thức đều có những ưu điểm của nó. Tuy vậy, quan sát sự dịch chuyển trong thời gian qua, thì thấy ngành xuất bản có sự thích ứng khá tốt.
Có thể kể đến việc các nhà xuất bản (NXB), đơn vị làm sách và thậm chí cả Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT) cũng đã vào cuộc nhanh. Đơn cử như mới đây, Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ hai năm 2021 được tổ chức trên Sàn sách quốc gia Book365 và kéo dài suốt 1 tháng.
Với thông điệp “Sách cho mọi nhà - đưa sách đi xa” mục tiêu của Hội sách là đưa sách đi muôn nơi, tới khắp mọi miền đất nước, không phân biệt vùng miền, không phân biệt khoảng cách địa lý, đặc biệt hướng tới bạn đọc vùng sâu vùng xa. Hội sách trực tuyến quốc gia năm nay thu hút gần 100 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước tham dự (tăng 20 đơn vị so với năm 2020).
Sau 1 tháng diễn ra, hội sách đã cung cấp hơn 40.000 cuốn sách tới bạn đọc, tăng 3 lần so với năm 2020 (13.000 cuốn). Đồng nghĩa với điều này, là sự tăng vọt của lượt độc giả truy cập (hơn 5,9 triệu lượt độc giả truy cập, tăng 3 lần so với năm 2020).
Tương tự, các đơn vị làm sách khác cũng nỗ lực thích ứng bằng việc thiết lập các trang fanpage, bán hàng trực tuyến hay tổ chức các cuộc thi nhằm cổ vũ văn hóa đọc. Như cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến “Cuốn sách tôi yêu” nhằm kết nối và truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách cho người dân Việt Nam, từ đó phát triển văn hóa đọc và lan tỏa tri thức trong cộng đồng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước do Bộ VHTTDL vừa phát động. Dự kiến, Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Hà Nội.
Hay mới đây, NXB Kim Đồng tổ chức chương trình đọc sách xuyên mùa hè 2021, với thông điệp “Mỗi gia đình một tủ sách cho con”, khơi nguồn tri thức từ việc tích lũy sách hay cho con đọc mỗi ngày.
Để thông điệp này trở nên thiết thực giữa mùa hè Covid, đơn vị xuất bản sách thiếu nhi hàng đầu Việt Nam này đã thực hiện đợt ưu đãi lớn nhất và kéo dài nhất trong năm, diễn ra từ nay đến hết ngày 30/6 tại hệ thống Nhà sách Kim Đồng trên toàn quốc, tại website NXB Kim Đồng và Nhà sách Kim Đồng trên sàn giao dịch trực tuyến Shopee với giá ưu đãi từ 15% đến 50% và nhiều chính sách về quà tặng, vận chuyển cho toàn bộ sách của đơn vị. Cũng trong mùa hè này, NXB Kim Đồng phát hành, bổ sung nhiều sách hay, sách đẹp để phục vụ bạn đọc trong nước.
2. Ở lĩnh vực âm nhạc cũng vậy, thay vì những liveshow hoành tráng, nhiều ca sĩ đã làm những MV, hay phát hành album online. Mới đây, NSND Quốc Hưng ra mắt MV “Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay”. Đây là ca khúc mới của nhạc sĩ Kiên Ninh.
Ca khúc mang âm hưởng hùng tráng nhưng lại đầy chất trữ tình, ngợi ca tinh thần yêu nước, yêu quê hương, vì đồng bào, vì sức khỏe nhân dân, vì sự bình yên của đất nước mà những người chiến sỹ áo trắng sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, xông pha vào mặt trận chống Covid-19. Ca khúc “Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay” chính thức ra mắt trên kênh YouTube “Kiên Ninh Production” và giới thiệu tới đông đảo công chúng kể từ ngày 27/5.
Trước đó, tối 24/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt, với chủ đề “Bài ca kết đoàn”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình được tổ chức không có khán giả, truyền hình trực tiếp trên kênh H1 và H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Tương tự như vậy, chương trình Hòa nhạc số 3 trong chuỗi “Âm nhạc thế kỷ 20” do Viện Goethe Hà Nội thực hiện cũng vừa được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài…
3. Nhìn sang lĩnh vực mỹ thuật, có thể nhận ra sự xoay trục của các họa sĩ và đơn vị tổ chức. Vào lúc 19h hôm nay (30/5), Đông A Gallery tổ chức đấu giá bộ 19 tác phẩm của họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho ấn phẩm “Người kép già” của cha – nhà văn Kim Lân.
19 bức minh họa kích thước 30 x 40 cm cho các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân như: “Vợ nhặt”, “Làng”, “Đứa con người cô đầu”… được họa sĩ Thành Chương vẽ bằng chất liệu bột màu trên bìa. Người xem gặp lại một Thành Chương vừa quen vừa lạ. Đây là phiên đấu giá trực tuyến thứ 3 trong chuỗi phiên Đấu giá chủ nhật do Đông A tổ chức kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện.
Thời gian tới, sự thích ứng cũng còn được thể hiện qua hình thức online. Theo đó, từ ngày 28 đến 30/6, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) sẽ diễn ra Triển lãm tranh với chủ đề “Đà Nẵng -Thành phố em yêu” cho thiếu nhi. Đây là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và chào mừng kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm nay tại TP Đà Nẵng. Hình thức triển lãm online là cách làm mới, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thực hiện “Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo”.
Tuần phim sẽ trình chiếu 50 bộ phim hoạt hình tiêu biểu của Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến hết 10/6 trên ứng dụng xem truyền hình trực tuyến VTVGo. TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam hy vọng Tuần phim hoạt hình lần này sẽ mở ra hướng đi mới trong việc hợp tác giữa những người làm phim hoạt hình và truyền hình Việt Nam, để khán giả được thưởng thức phim hoạt hình Việt Nam thường xuyên và đa dạng hơn.
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều lĩnh vực, trong đó có đời sống văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, các đơn vị nghệ thuật và cá nhân các nghệ sĩ cũng đã có sự thích ứng, hòa hợp. Và hình thức online đã thu hẹp khoảng cách, đồng thời kết nối các nghệ sĩ với khán giả, kết nối các sản phẩm nghệ thuật tới công chúng, người tiêu dùng…