Hơn 3 tháng sau khi trận “đại hồng thủy” ở Pakistan kết thúc, đất trồng trọt của nông dân ở nhiều tỉnh phía Nam vẫn nằm dưới nước. Điều này khiến nông dân khó trồng vụ lúa mì tiếp theo và khiến Pakistan phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng vào thời điểm giá lương thực thế giới đang ở mức cao.
Mất sinh kế
Giống như mọi năm, ông Arz Mohammed trồng cây bông trên mảnh đất nhỏ ở miền Nam Pakistan. Vụ mùa sẽ giúp ông kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình 5 người. Rồi trận “đại hồng thủy” ập đến. Trận lụt lớn đã làm sập nhà và phá hủy 4 mẫu bông của ông Mohammed, nó xóa sạch phần lớn thu nhập của ông.
Đáng buồn hơn cả, đất của ông Mohammed và của những người hàng xóm vẫn nằm dưới nước, ba tháng sau khi trận lũ lụt ngừng lại. Như vậy là giống như nhiều nông dân trên khắp miền Nam Pakistan, ông Mohammed có nguy cơ không thể trồng kịp vụ mùa lúa mì tiếp theo. Điều này có thể gây rắc rối cho nguồn cung cấp lương thực của đất nước.
Ông Mohammed cho biết: “Những trận mưa đã phá hủy mọi thứ của chúng tôi. Chúng tôi thậm chí không có bất cứ thứ gì để ăn".
Trận lũ lụt mùa hè năm nay, có độ lớn gần gấp ba lần mức độ dữ dội thông thường, quét sạch những đám hoa màu khổng lồ, khiến các gia đình vốn đã nghèo khó phải chật vật kiếm ăn. Các quan chức cảnh báo, Pakistan hiện có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng vào thời điểm chính phủ đang thiếu tiền mặt và giá lương thực thế giới đang ở mức cao.
Theo các quan chức địa phương, gần 15% sản lượng lúa mì và 40% sản lượng bông của Pakistan đã bị mất trắng. Trận lũ lụt cũng xóa sổ các kho dự trữ ngũ cốc cá nhân mà nhiều gia đình nông dân dựa vào để làm nguồn thức ăn hàng năm. Chưa kể, nó đã làm gần 1.600 người thiệt mạng, làm hư hại gần 2 triệu ngôi nhà, thiệt hại tổng thể được ước tính lên tới hơn 30 tỷ USD.
Tuần trước, phát biểu trước báo giới bên lề phiên họp của Liên Hợp quốc (LHQ), Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif cho biết, trên 4 triệu mẫu cây trồng đã bị cuốn trôi. “Chúng tôi cần tiền để cung cấp sinh kế, cần kinh phí để bù đắp thiệt hại về mùa màng cho người dân” - ông Shahbaz Sharif nói.
Chính phủ Pakistan cũng cho biết, không có lo lắng về nguồn cung cấp thực phẩm trong ngắn hạn. Trong một tuyên bố với AP, cơ quan thảm họa tiểu bang cho biết, dự trữ lúa mì của đất nước đủ để tồn tại cho đến vụ thu hoạch tiếp theo và chính phủ đang nhập khẩu nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, vụ lúa mì sắp tới đã rơi vào tình trạng bấp bênh bởi việc gieo trồng thường bắt đầu vào tháng 10. Tại tỉnh Punjab, nơi trồng trọt lúa mì chính của đất nước, các cánh đồng ít bị thiệt hại hơn và có thể được gieo sạ kịp thời. Tuy nhiên, ở tỉnh phía Nam Sindh, tỉnh trồng trọt lớn thứ hai, khoảng 50% diện tích ruộng vẫn ở dưới nước, theo ông Jam Khan Shoro, Bộ trưởng Thủy lợi tỉnh Sindh.
Ông Altaf Hussain Marri, một chủ đất lớn và tương đối khá giả ở Khairpur, cho biết, ông thường tặng lúa mì cho bạn bè và họ hàng như một món quà. Nhưng giờ đây ông cảm thấy lo lắng không biết lúa mì có đủ cho bản thân và gia đình mình không. Ông không chắc liệu 400 mẫu đất ngập nước của mình có kịp thoát nước trước mùa vụ mới hay không?. Lũ lụt đã phá hủy sản lượng bông và lúa mì trị giá khoảng 40.000 đô la của ông Marri.
Kế hoạch ứng phó
Theo lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal, ngành nông nghiệp của Pakistan đã phát triển trong những năm gần đây, cho phép nước này xuất khẩu lúa mì và gạo. Nhưng giờ đây, nước này sẽ phải nhập khẩu lúa mì và các mặt hàng thực phẩm khác.
Thủ tướng Sharif cho biết: “Pakistan có thể phải nhập khẩu khoảng một triệu tấn lúa mì và nó có thể đến từ Nga, nhưng chúng tôi sẵn sàng nhận các lời chào hàng khác nếu giá cả phù hợp”.
Các quan chức Bộ Kế hoạch cũng xác nhận, Pakistan đã đưa ra đơn đặt hàng nhập khẩu 500.000 tấn lúa mì và có kế hoạch mua dự phòng thêm 2,5 triệu tấn trong năm tới, nhưng các quan chức đang chờ xem lượng lúa mì được trồng là bao nhiêu.
Ông Ashfaq Ahmad, một nhà kinh tế cấp cao, cho biết, lượng lúa mì bổ sung cần phải được đưa vào nhanh chóng trong tháng tới. Nếu không, một cuộc khủng hoảng lương thực có thể tới vào tháng 12. “Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc nhập khẩu lúa mì sẽ gây ra tình trạng thiếu lương thực” - ông Ashfaq Ahmad nói.
Lũ lụt cũng là một đòn giáng mạnh vào các vụ mùa quan trọng của Pakistan. Tổn thất sẽ đồng nghĩa với việc xuất khẩu gạo giảm, vốn kiếm được 2 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, tổn thất bông có thể ảnh hưởng đến lượng hàng dệt may và quần áo xuất khẩu của Pakistan, vốn mang lại hơn 20 tỷ USD/năm trong những năm gần đây. Nhưng thiệt hại lớn và nguy hiểm hơn có thể xảy ra đối với người nghèo Pakistan đó chính là việc không có thu nhập và nguồn lương thực.
Tại Dasht, một huyện hẻo lánh của tỉnh Baluchistan, hàng trăm chủ vườn cây ăn quả lo lắng về tương lai của họ sau khi mất mùa nho, táo và các loại trái cây khác. Ở các vùng của Baluchistan, người ta có thể nhìn thấy hàng đống táo thối ở những vùng ngập nước.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, khoảng 38 triệu người Pakistan, chiếm hơn 16% dân số, đã sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng, có nghĩa là họ không chắc chắn về việc có thể kiếm được thức ăn hoặc đôi khi là hoàn toàn không có gì để ăn. Gần 18% trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Các cơ quan của LHQ đã cảnh báo rằng, cú đánh vào nguồn cung cấp lương thực và thu nhập sẽ khiến những người dân Pakistan chìm sâu hơn trong nạn đói. Cho đến nay, Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ đã cung cấp thực phẩm cho khoảng 600.000 người sống sót sau trận lũ lụt.