Hàng loạt các hoạt động dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện các quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC), tỉnh Quảng Ninh đã đối thoại nhằm tìm giải pháp.
Cuộc đối thoại do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng chủ trì cùng với Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ban, ngành liên quan và có sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn trình bày, trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác PCCC&CNCH như cải tạo cơ sở đảm bảo PCCC theo quy định mới; lắp mới, trang bị vật tư PCCC tại cơ sở theo quy định mới; chọn vật liệu xây dựng phù hợp với các điều kiện PCCC; kiểm định vật tư PCCC; phê duyệt, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC;…
Nhiều thắc mắc, kiến nghị đã được Công an tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan giải đáp, hướng dẫn cách tháo gỡ ngay tại Hội nghị. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Công an tỉnh cũng đã có những chỉ đạo “nóng” nhằm tìm cách gỡ khó cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác PCCC theo quy định. Qua đó, cho thấy sự quan tâm chỉ đạo sát sao, đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh trong công tác PCCC&CNCH.
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác PCCC&CNCH tỉnh Quảng Ninh: Quy hoạch xây dựng phải phù hợp với Luật PCCC.
Lực lượng Công an tỉnh phải tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương nhanh chóng giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc có thể giải quyết được của doanh nghiệp trong tháng 5/2023.
Lực lượng Công an tỉnh cần đẩy mạnh việc tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp mua các vật liệu xây dựng PCCC phù hợp theo quy định với chi phí thấp nhất có thể. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tập hợp và phân loại các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện công tác PCCC tại cơ sở để tư vấn, khắc phục kịp thời. Đối với những khó khăn không thể khắc phục, cần tập hợp lại chi tiết để báo cáo UBND tỉnh, Công an tỉnh xem xét và báo cáo lên Trung ương.
Các Sở, ngành đẩy nhanh việc rà soát lại quy hoạch hạ tầng xây dựng, đảm bảo rõ ràng, phù hợp với Luật PCCC và phối hợp chặt chẽ trong việc thống nhất, linh hoạt trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND các địa phương tăng cường phối hợp với các Sở, ngành và Công an tỉnh tháo gỡ khó khăn về quy hoạch xây dựng để phù hợp với Luật PCCC và đảm bảo việc cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp.
Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh: Công tác kiểm tra hướng dẫn PCCC phải cụ thể.
Lực lượng Cảnh sát PCCC cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên tinh thần gần dân, gần doanh nghiệp, cầu thị và đặc biệt không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Công tác kiểm tra hướng dẫn phải cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ cho doanh nghiệp. Các công tác về tư vấn thiết kế và lắp đặt thiết bị PCCC cũng phải đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC cần tập hợp lại các ý kiến của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất Công an tỉnh xem xét, phối hợp với các Sở, ngành, cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác tập huấn, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ lớn mạnh và an toàn.
Những người đứng đầu doanh nghiệp chú ý nêu cao tinh thần chủ động trong công tác PCCC ngay tại cơ sở, nhằm đảm bảo an toàn cho chính doanh nghiệp và người lao động.
Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hạ Long: Việc áp dụng các quy định mới về PCCC nên có lộ trình.
Việc áp dụng các quy định mới về PCCC tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Thông tư số 149/2020/TT-BCA đối với các cơ sở được doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mới là hoàn toàn phù hợp. Còn đối với những cơ sở mà doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và tồn tại từ trước thì khi khắc phục các thiếu sót về PCCC theo quy định mới gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC theo quy định mới. Đối với những bộ phận các cơ sở có nguy cơ và rủi ro cháy, nổ cao thì cần phải dứt khoát, cương quyết áp dụng đúng theo quy định mới. Còn đối với những bộ phận có nguy cơ và rủi ro cháy, nổ thấp thì nên nới lỏng, áp dụng quy định mới theo từng bước, theo lộ trình.
Trung tá Ngô Hải Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh: Phân loại các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ.
Bên cạnh những vấn đề mà chúng tôi đã nhận diện, tại buổi đối thoại hôm nay, chúng tôi biết thêm nhiều thông tin mới về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp thu những vấn đề này, trên cơ sở đó phân loại ra đối với những nội dung có thể giải quyết ngay, chúng tôi cũng sẽ phân công cán bộ xuống hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện.
Đối với những vấn đề liên quan đến trách nghiệm của các Sở, ban, ngành cũng như UBND các địa phương thì chúng tôi sẽ tham mưu cho Công an tỉnh và UBND tỉnh có hướng chỉ đạo về công tác phối hợp, cơ chế chính sách của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với những nội dung ngoài khả năng giải quyết, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Công an tỉnh và UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành có hướng sửa đổi trong thời gian tới cũng như có giải pháp hướng dẫn việc thực hiện.
Anh Vũ Thanh Bình, đại diện Chi hội kinh doanh karaoke, bar, vũ trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong công tác PCCC để giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Tôi thấy việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh và Công an tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC&CNCH là rất thiết thực. Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh đã rất quan tâm sát sao, chỉ đạo và vào cuộc cùng với các doanh nghiệp. Tôi hy vọng trong thời gian tới thì những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, khắc phục để giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển, đảm bảo chấp hành theo đúng quy định pháp luật.
Anh Đỗ Tống Quân, Giám đốc Công ty CP Du lịch Arcadia: Mong tháo gỡ cho những tàu du lịch còn niên hạn sử dụng ngắn.
Tôi là một trong số các doanh nghiệp có tàu du lịch chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Hầu hết các tàu du lịch này là tàu vỏ gỗ, đã được đóng từ lâu theo quy phạm cũ. Trong đó, một số tàu còn niên hạn sử dụng ngắn do đó việc chủ tàu bỏ kinh phí đầu tư cải tạo, sửa chữa để đáp ứng theo các quy định, tiêu chuẩn mới về PCCC thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính, kinh doanh.
Ví dụ là tàu của doanh nghiệp tôi thực hiện hoán cải năm 2012 thì tôi mong muốn là tàu được áp dụng theo tiêu chuẩn về PCCC của năm 2012 chứ không phải áp dụng theo tiêu chuẩn mới tại Nghị định số 136. Bởi vì tàu của tôi chỉ còn 2 năm nữa là hết niên hạn sử dụng, nếu áp dụng theo Nghị định số 136 thì chi phí về PCCC sẽ quá lớn, khoảng từ 300 – 500 triệu và trong 2 năm không thể thu hồi vốn, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang rất khó khăn như hiện nay.
Anh Bùi Tiến Dũng, đại diện cơ sở kinh doanh karaoke Chiến Công (TP Hạ Long): Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về PCCC đối với từng loại hình doanh nghiệp, quy mô, tính chất hoạt động,..
Hiện nay, quy định về vật liệu không cháy, khó cháy đối với karaoke, vũ trường,… gây khó khăn cho quá trình khắc phục do chưa rõ ràng, chưa có đơn vị cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn về PCCC. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp hoạt động với các quy mô, loại hình khác nhau, nếu áp dụng đúng tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cho tất cả các loại hình thì chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy cần phân loại chi tiết, quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa các tiêu chí áp dụng đối với từng loại hình doanh nghiệp, quy mô, tính chất hoạt động, mức độ rủi ro về cháy nổ để áp dụng cho phù hợp.
Chị Bùi Thị Ngọc Anh, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên): Mong muốn có một quy chuẩn về PCCC áp dụng đối với doanh nghiệp phải thường xuyên cải tạo nhà xưởng.
Công ty chúng tôi là công ty sản xuất về điện tử, các đơn hàng của chúng tôi thường xuyên thay đổi nên cũng cần thường xuyên cải tạo lại nhà xưởng. Mỗi lần cải tạo nhà xưởng như vậy thì chúng tôi phải làm lại phương án PCCC và xin lại thẩm duyệt dẫn đến mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ của đơn hàng và hiệu quả kinh doanh. Chúng tôi mong muốn có một quy chuẩn áp dụng đối với những doanh nghiệp có tiến độ thay đổi đơn hàng liên tục và phải cải tạo nhà xưởng thường xuyên như chúng tôi để không phải thường xuyên làm lại phương án PCCC. Chúng tôi cũng hy vọng rằng sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác xin thẩm duyệt về PCCC được trôi chảy hơn, giúp tiến độ đơn hàng được đẩy nhanh.