Thị trấn Ubinas nằm ở khu vực miền Nam Moquegua, cách miệng núi lửa Ubinas khoảng 6km về phía Đông Nam, đã bị bao phủ bởi lớp tro bụi dày.
Núi lửa Ubinas hoạt động mạnh. (Nguồn: dw.com).
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, ngày 4/9, Viện Địa chất Khoáng sản và Luyện kim (Ingemmet) của Peru thông báo ngọn núi lửa Ubinas nằm ở miền Nam vùng núi Andes nước này hoạt động mạnh, phun trào sau 3 vụ nổ liên tiếp vào rạng sáng cùng ngày.
Thị trấn Ubinas nằm ở khu vực miền Nam Moquegua, cách miệng núi lửa khoảng 6km về phía Đông Nam, đã bị bao phủ bởi lớp tro bụi dày.
Các địa phương lân cận nằm trong vùng Moquegua, gồm Tonohaya, San Miguel, Anascapa, Huarina, Huatagua và Matalaque cũng bị ảnh hưởng.
Sau hai vụ nổ liên tiếp rạng sáng 4/9, cột khói kèm tro bụi bốc cao tới 1.500 từ miệng núi lửa Ubinas. Sau đó, một vụ nổ khác mạnh hơn xảy ra vào lúc 8giờ 45 sáng cùng ngày khiến cột tro bụi bốc cao tới 2.500m.
Các cơn gió mạnh đưa những đám mây tro bụi và khí độc về phía các vùng lân cận phía Nam và Đông Nam.
Ingemmet cho biết lượng khí thải phát ra từ ngọn núi trên trong những ngày qua lên tới 5.400 tấn mỗi ngày. Núi lửa Ubinas hoạt động dữ dội gần đây đã làm tăng lượng magma bên trong núi.
Kể từ hôm 19/7 vừa qua, núi lửa Ubinas đã bắt đầu tiến trình phun trào mới với các vụ nổ ngắt quãng, buộc Chính phủ Peru phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày kể từ hôm 20/7, đồng thời yêu cầu giới chức địa phương áp dụng biện pháp khẩn cấp, huy động lực lượng hỗ trợ người dân sơ tán trong phạm vi bán kính ít nhất 10 km xung quanh khu vực núi lửa ở vùng Moquegua, cách thủ đô Lima 1.250 km.
Ngoài ra, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân vùng bị ảnh hưởng bởi tro bụi đeo khẩu trang hoặc khăn ẩm, rửa sạch mắt và họng với nước sạch.
Theo số liệu thống kê, Peru có hơn 400 ngọn núi lửa, trong đó Ubinas và Sabancaya tại vùng Arequipa đang trong quá trình phun trào.
Núi lửa Ubinas cao 5.670m, là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất tại Peru. Ubinas được ghi nhận hoạt động khá tích cực trong giai đoạn từ 2013-2016.
Trong 500 năm qua, ngọn núi này có 26 đợt phun trào, trong đó vụ lớn nhất xảy ra vào năm 1667.