PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra câu chuyện nếu những quy định về tiếp cận đất đai chưa được tháo gỡ thì khó đẩy mạnh liên kết vùng tại diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng-Tăng tốc phát triển kinh tế" do Tạp chí Vnbusiness tổ chức.
Trước bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX lại càng trở thành vấn đề cấp bách. Nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua càng cho thấy liên kết vùng còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải sớm có câu trả lời thỏa đáng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm...
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thực tế, nhiều người giàu lên vì đất đai nhưng chi phí về đất đai cũng cản trở sự phát triển ghê gớm, không giải quyết nút thắt thì kéo lùi sự phát triển. Vì vậy, chuyên gia này kỳ vọng sắp tới khi Luật Đất đai được sửa đổi sẽ giúp giải quyết những nút thắt trên, sửa phần gốc thay vì ngọn. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến khó lường từ thị trường thế giới, ông Thiên cho rằng cần giải quyết được bài toán liên kết phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có liên kết vùng, ngành thế nào để tận dụng được thời cơ.
Nhìn nhận thực trạng trong thời gian qua, PGS.TS. Trần Đình Thiên thẳng thẳn đánh giá liên kết vùng chưa thực sự thành công về thực tiễn, nếu không muốn nói là thất bại. Liên kết vùng phải có điều kiện tiên quyết nền tảng, nối kết các điều kiện tiềm năng, gắn bó với nhau không, trình độ xuất phát để bảo đảm có vùng phát triển thật, nếu không làm rõ, lập vùng ra thì không thể phát triển được. Thêm vào đó, có cơ chế vận hành và thể chế điều hành phát triển vùng.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh chủ đề đẩy mạnh Liên kết vùng gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung, phục vụ chế biến sâu chưa bao giờ là vấn đề cũ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng, sắp tới cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, cùng với nỗ lực của Bộ ngành liên quan, đặc biệt vai trò của HTX sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đồng bộ căn cơ.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay, khu vực HTX còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
“Ngoài những vấn đề nội tại từ nông dân, HTX, những vấn đề khách quan về địa kinh tế, địa chính trị, dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực yếu thế nhất là nông dân, HTX. Do vậy, cần phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế theo hướng bền vững, cần tính đến lợi thế so sánh. Đồng thời gia tăng ứng dụng chuyển đổi số để tích cực tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do và từng bước chuyển đổi số, áp dụng kinh doanh số của các doanh nghiệp, HTX, trong đó có cách sản xuất, hành xử của người dân, HTX về chuyển đổi số, thương mại không giấy tờ”, bà Minh nói.
Trước những đóng góp của nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đánh giá rõ ràng cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng. Bên cạnh đó, để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và HTX thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ được Liên minh HTX Việt Nam tập hợp làm cơ sở đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành để từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là sau tác động của đại dịch COVID-19.